FDI 5 tháng đầu năm 2022: Vốn đăng ký mới giảm nhưng vốn góp mua cổ phần tăng mạnh

FDI 5 tháng đầu năm 2022: Vốn đăng ký mới giảm nhưng vốn góp mua cổ phần tăng mạnh

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt trên 11.71 tỷ USD, bằng 83.7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53.4%, nhưng vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 45.4% và 51.6%.

Cơ cấu ĐTNN 5 tháng đầu năm 2022 theo thành phần vốn đầu tư

Số liệu thu hút FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trái ngược với đà sụt giảm của vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là trụ đỡ trong thu hút FDI những tháng đầu khi cả hai nguồn vốn này vẫn tăng mạnh.

Tính đến ngày 20/5/2022, vốn đăng ký mới giảm 53.4% so với cùng kỳ, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh lần lượt là 45.4% và 51.6%.

Nhờ đó, tổng vốn FDI (đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài) trong 5 tháng đầu năm chỉ giảm 16.3% so với cùng kỳ năm 2021 khi đạt 11.71 tỷ USD.

Trong đó, có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 5.7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 4.12 tỷ USD (giảm 53.4% so với cùng kỳ); có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15.5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5.61 tỷ USD (tăng 45.4% so với cùng kỳ); có 1,339 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5.8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 1.98 tỷ USD (tăng 51.6% so với cùng kỳ).

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6.8 tỷ USD, chiếm 58.2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 398 triệu USD và gần 374.8 triệu USD.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29.6%, 25.6% và 17.5% tổng số dự án.

Trong 5 tháng đầu năm, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25.3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 43.8% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2.06 tỷ USD, chiếm 17.6% tổng vốn đầu tư, tăng 12.6% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1.3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1.32 tỷ USD, chiếm 11.3% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.52 tỷ USD, chiếm 21.5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 2.3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1.65 tỷ USD, chiếm 14.1% tổng vốn. Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.3 tỷ USD, chiếm 11.3% tổng vốn và giảm nhẹ 1.1% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (40.3%), số lượt GVMCP (67.9%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13.69 sau Hà Nội là gần 17%).

Tính tới ngày 20/5/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7.71 tỷ USD, tăng 7.8% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhật Quang

FILI