Dow Jones bốc hơi 1,000 điểm, Nasdaq lao dốc 5%

Dow Jones bốc hơi 1,000 điểm, Nasdaq lao dốc 5%

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, qua đó xóa sạch toàn bộ đà phục hồi đạt được trong phiên trước. Sự đảo chiều bất ngờ này đã mang lại cho nhà đầu tư một trong những phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2020.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, Dow Jones mất 1,063 điểm (tương ứng 3.12%) đóng cửa tại 32,997.97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 4.99% còn 12,317.69 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Cả hai chỉ số này đều ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2020.

S&P 500 rớt 3.56% còn 4,146.87 điểm, ghi nhận phiên sụt giảm mạnh thứ hai trong năm nay của chỉ số này.

Được biết, cả ba chỉ số chính đều phục hồi mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư với Dow Jones vọt 932 điểm (tương ứng 2.81%), S&P 500 tăng 2.99% và đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất trong năm 2020; Nasdaq Composite nhảy vọt 3.19%.

Tuy nhiên, toàn bộ đà tăng này đều bị xóa sạch trước buổi trưa ngày thứ Năm tại New York.

Các cổ phiếu công nghệ lớn chịu sức ép rất lớn với Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook - và Amazon bốc hơi lần lượt gần 6.8% và 7.6%. Microsoft rớt khoảng 4.4% và Salesforce giảm sâu 7.1%. Apple chìm gần 5.6%.

Các cổ phiếu thuộc nhóm thương mại điện tử tác động mạnh nhất đến đà sụt giảm của thị trường trong ngày thứ Năm sau khi công bố lợi nhuận thất vọng trong quý vừa qua.

Etsy và eBay chìm lần lượt 16.8% và 11.7% sau khi công bố dự báo doanh thu thấp hơn kỳ vọng. Shopify rớt gần 15% sau khi công bố kết quả kinh doanh không như dự báo.

Các cổ phiếu vốn nhạy cảm với đà tăng trưởng của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong ngày thứ Năm. Theo đó, Caterpillar rớt gần 3%, JPMorgan Chase hạ 2.5% còn Home Depot chìm hơn 5%.

Các phiên sụt giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 3/2020 - Nguồn: CNBC

Thị trường trái phiếu kho bạc cũng chứng kiến sự đảo chiều đầy kịch tính so với đà phục hồi trong ngày thứ Tư. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, vốn đi ngược với giá trái phiếu, nhảy vọt hơn 3% trong ngày thứ Năm và chạm mức cao nhất kể từ năm 2018. Lãi suất cao có thể gia tăng áp lực đối với các cổ phiếu công nghệ thiên về tăng trưởng vì khiến cho lợi nhuận từ nước ngoài kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Đà bán tháo ngày thứ Năm diễn ra trên toàn thị trường với hơn 90% cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ. Thậm chí các cổ phiếu có kết quả ấn tượng trong năm nay cũng chịu cảnh tương tự với Chevron, Coca-Cola và Duke Energy rớt gần 1%.

 

Được biết, hôm thứ Tư, Fed đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản như kỳ vọng và cho biết sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán trong tháng 6. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại buổi họp báo rằng ngân hàng trung ương chưa cân nhắc việc nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản – yếu tố có thể châm ngòi cho một đợt phục hồi.

 

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI