Tổng Giám đốc MKP: “Sẽ tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên trên 50% nếu được cổ đông cho phép”

Tổng Giám đốc MKP: “Sẽ tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên trên 50% nếu được cổ đông cho phép”

Ngày 29/04, CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lãi trước thuế gấp 4 lần kết quả năm 2021.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của MKP tổ chức sáng ngày 29/04

Năm 2021 là một năm tương đối khó khăn của MKP khi quá trình sản xuất bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, Công ty cũng gặp khó khăn trong việc đấu thầu thuốc vào các bệnh viện và xin cấp gia hạn các mặt hàng đã hết số đăng ký.

Trong bối cảnh trên, bước sang năm 2022, MKP đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 1,350 tỷ đồng và 100 tỷ đồng, tăng hơn 19% và gấp 4 lần so với kết quả năm 2021.

Tại Đại hội, Tổng Giám đốc MKP bà Huỳnh Thị Lan cho biết cơ sở để xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 chủ yếu đến từ kỳ vọng của Ban lãnh đạo về việc nhiều mặt hàng sẽ được Bộ Y tế cập nhật số đăng ký trong năm nay. MKP hiện đang có 200 số đăng ký đang chờ Bộ Y tế phê duyệt. Với những mặt hàng được cập nhật, Công ty sẽ gia tăng sản xuất đối với mặt hàng đó.

Tuy nhiên, nếu việc phê duyệt vẫn bị đình trệ, đây sẽ là trường hợp bất khả kháng của Ban lãnh đạo. Do đó, bà Lan hy vọng Bộ Y tế có thể sớm tháo khóa vì không có số thì không thể nào sản xuất được.

Theo BCTC được công bố gần đây, kết quả kinh doanh quý 1/2022 của MKP ghi nhận kết quả khá khả quan khi doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 428 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, tăng hơn 62% và gấp 2.5 lần so với cùng kỳ. Tại Đại hội, Tổng Giám đốc MKP cho biết trong kỳ, Công ty đã triển khai một số mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, nhờ đó doanh thu tăng trưởng tích cực. Mặt khác, Công ty đã ngưng sản xuất thuốc kháng sinh, còn thuốc điều trị COVID-19 chỉ đóng góp phần nhỏ trong tổng doanh thu quý 1.

Đối với việc phát triển sản xuất trong thời gian tới, nhà máy mới của MKPMKP BP sẽ cùng Nipro Pharma Corporation (NPP) hợp tác để gia tăng sản lượng xuất khẩu trong năm 2022. MKP BP sẽ tăng sản lượng mặt hàng Trichlormethiazide, đồng thời đẩy nhanh chuyển giao công nghệ mặt hàng Furosemide từ Nhật Bản để đưa vào sản xuất.

Chia sẻ về tình hình của nhà máy MKP BP, bà Lan cho biết nhà máy đã đạt chuẩn Japan-GMP và GMP-WHO và sắp tới sẽ xin xét chuẩn GMP-EU.

Về mặt vận hành, để hòa vốn, nhà máy phải sản xuất ít nhất 500 triệu viên/năm, tuy nhiên công suất hiện tại chỉ ở mức 100 triệu viên/năm. Do đó, hàng năm MKP phải bù lỗ 50 tỷ đồng cho nhà máy này. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng chưa có số đăng ký mới nên không thể sản xuất được.

Với tình hình hiện tại, nhà máy MKP BP chủ yếu chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu có số để gia tăng công suất, nhà máy sẽ hướng đến sản xuất cho cả thị trường nội địa.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Tổng Giám đốc MKP chia sẻ Công ty cũng sẽ đi theo xu hướng chung của thị trường, nếu được ĐHĐCĐ cho phép, Công ty sẽ tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên trên 50%. Vì không có trong chương trình đại hội năm nay nên MKP cho biết sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bang văn bản về việc nâng sở hữu khối ngoại.

Về hoạt động chi trả cổ tức, MKP sẽ thực hiện chia cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% dù trước đó kế hoạch đề ra là 10%. Nếu có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2022, Công ty dự kiến sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 20%.

Hà Lễ

FILI