Phó Chủ tịch VBMA Phạm Phú Khôi nêu 3 giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Phó Chủ tịch VBMA Phạm Phú Khôi nêu 3 giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ông Phạm Phú Khôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nhấn mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh 10 năm qua, số lượng nhà phát hành tăng 8 lần, khối lượng tăng 23 lần. Tuy nhiên xét cả về tỷ lệ lẫn khối lượng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế ngày 22/04, ông Khôi cho biết, để thị trường TPDN phát triển bền vững, Hiệp hội VBMA đã cùng các đối tác trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu thị trường, đối thoại với nhà chức trách về nội dung này và đã có nhiều đề xuất cụ thể. Tựu trung lại các đề xuất tập trung theo 3 nội dung chính như sau:

Một là, các giải pháp nâng để cao chất lượng hàng hóa của TPDN, để TPDN minh bạch và bảo vệ các nhà đầu tư, đồng thời để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn trung, dài hạn nhanh và có hiệu quả.

Hai là, các giải pháp để phát triển sâu và rộng số lượng và chất lượng nhà đầu tư như khuyến khích các nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức đầu tư vào TPDN.

Ba là, các giải pháp để phát triển hạ tầng cơ sở cho giao dịch thứ yếu trên cả sơ cấp và thứ cấp, các chương trình đào tạo, các biện pháp để công bố thông tin, minh bạch thông tin thị trường, áp dụng các công nghệ mới.

Ông Phạm Phú Khôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA): Nâng cao chất lượng hàng hóa để thị trường minh bạch và bảo vệ các nhà đầu tư. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo ông Khôi, về hàng hóa: Các tổ chức phát hành và hình thức phát hành cũng như các định chế tham gia vào quá trình phát hành. Thực tế thị trường có 2 hình thức phát hành là phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.

Phát hành riêng lẻ thì thị trường thế giới chia ra làm 2 loại, thứ nhất là nhóm có độ tín nhiệm cao (có định hạng tín nhiệm- rating), và 2, nhóm có độ tín nhiệm thấp (không có rating).

Ở nhóm 1, ngoài một số mục đích rõ ràng thì bao giờ cũng có một đích chung là tăng quy mô vốn hoạt động, thường không có tài sản bảo đảm.

Ở nhóm thứ 2 có tài sản bảo đảm hoặc theo một dự án, có thể có biện pháp quản lý dòng tiền, dòng tiền của cả sử dụng của doanh nghiệp lẫn dòng tiền thu được từ các dự án. Loại trái phiếu này còn được sử dụng rộng rãi là công cụ để tái cơ cấu vốn, tái cơ cấu nợ cho các tổ chức phát hành bị khủng hoảng.

TPDN phát hành riêng lẻ chỉ dành cho đối tượng nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân - phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thị trường TPDN phát hành riêng lẻ đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường vốn nói chung, vì nó là công cụ để "may đo" theo đúng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp khi cần phát hành cổ phiếu.

Nếu chúng ta siết thị trường này, chúng ta phải nhìn thấy được những hệ luỵ có thể gây ra những kết quả khó lường cho thị trường tài chính nói chung.

Vấn đề thứ 2 là phát hành ra công chúng: Hiện đã có đầy đủ khung pháp lý để thị trường này phát triển, nhưng không thể nhanh được bởi vì đây là thị trường cần được xét duyệt rất cẩn thận để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Thời gian để hoàn thành đợt phát hành khá lâu, từ 3-6 tháng, rõ ràng với cơ sở của Ủy ban chứng khoán không thể nào đáp ứng được việc phát hành ra công chứng của trái phiếu lẫn cổ phiếu trong thời gian vừa qua.

Chúng tôi thấy cần có những biện pháp như cần cụ thể hóa các tiêu chí cho các công ty luật có uy tín (sắp xếp trước các bộ hồ sơ), cũng như các công ty kiểm toán sắp xếp các báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán có uy tín và kinh nghiệm trong việc tư vấn phát hành để khi đưa hồ sơ lên cho Ủy ban  xét duyệt trong thời gian ngắn, như các tiêu chuẩn quốc tế 1 đến 2 tháng.

Về định hạng tín nhiệm cho tổ chức phát hành: Hiện nay chưa thể có yêu cầu bắt buộc định hạng tín nhiệm cho các tổ chức phát hành do mới chỉ có 2 công ty định hạng tín nhiệm hoạt động. Nếu quy định như vậy, sẽ tạo ra ách tắc, vì khả năng đáp ứng nhu cầu sẽ không đủ. VBMA hiện đang tích cực giúp Moody's - tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới, cùng các thành viên VBMA lập công ty liên doanh để làm nghiệp vụ này. Rất mong công ty sẽ sớm có được giấy phép và đi vào hoạt động. Sau khi có ít nhất 3 công ty hoạt động với khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường, lúc đó yêu cầu bắt buộc có xếp hạng sẽ là thích hợp để minh bạch hóa các sản phẩm TPDN.

Về các nhà đầu tư, hiện nay các nhà đầu tư cá nhân, các công ty chứng khoán, nếu chúng ta siết lại việc ngân hàng không được mua các trái phiếu doanh nghiệp theo mục đích tăng quy mô vốn, tái có cấu và có nợ xấu tại ngân hàng khác thì ai sẽ là người mua trái phiếu tái cơ cấu đó, khi chỉ có công ty chứng khoán có thể mua được trái phiếu đó.

Như vậy khả năng tái cơ cấu khoản đó sẽ hạn chế, các trái phiếu hiện nay các tổ chức bán cho khách hàng cá nhân mà họ không hiểu được bản chất của trái phiếu này và họ bán ngược trở lại thì nó sẽ quay ngược trở lại công ty chứng khoán và sẽ làm cho các công ty chứng khoán mất thanh khoản. Như vậy chúng ta cần có các biện pháp có thể tạm thời để ngân hàng và công ty chứng khoán có được thanh khoản để giúp thị trường trong thời gian nếu có khủng hoảng.

VBMA mong muốn Chính phủ sẽ có những biện pháp về truyền thông để tuyên truyền cho  quần chúng và khẳng định tầm quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng; để họ thấy rằng những trường hợp tiêu cực vừa rồi nó không phải là đại diện của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như là đại diện các tổ chức hay nhà tư vấn phát hành, mà đó là những trường hợp cụ thể vi phạm pháp luật và  sẽ bị xử lý nghiêm túc.

Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cho các tổ chức phát hành, tránh các nhà đầu tư đánh đồng và bán tháo các trái phiếu doanh nghiệp khi có sự khủng hoảng nào đó.

Về chính sách bình ổn thị trường, đối với ngân hàng và công ty chứng khoán cần có các biện pháp để có thể trong thời gian ngắn có biện pháp tạo thanh khoản cho thị trường ví dụ như lùi lại thời gian hiệu lực của thông tư 16 quy định về đầu tư/mua lại trái phiếu các TCTD đã bán ra; có chính sách để tạo thanh khoản cho các công ty chứng khoán.

VBMA, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác liên bộ do lãnh đạo Chính phủ đứng đầu và có sự tham gia của VBMA để điều phối sự phối hợp chính sách của thị trường trái phiếu.

LĐ ghi

FILI