GMD - Canh mua trong vùng 52,000-55,000

GMD - Canh mua trong vùng 52,000-55,000

Những khó khăn từ dịch Covid-19 đã đi qua, ngành cảng biển được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới. CTCP Gemadept (HOSE: GMD) được giới phân tích đánh giá cao và kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động cảng Gemalink đang mang lại lợi nhuận.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng phục hồi

Hoạt động luân chuyển hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam phục hồi trở lại sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch. Các biện pháp giãn cách từng bước được gỡ bỏ, hoạt động sản xuất và tiêu dùng trở lại nhịp độ bình thường giúp hoạt động vận chuyển hàng hóa nối lại đà tăng trưởng.

Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tháng 3/2022 ước đạt 67.3 triệu tấn, tăng 6.26%; hàng container thông qua cảng biển ước đạt 2.3 triệu TEU, tăng 6.74% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 3 tháng 2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 179.5 triệu tấn, tăng 4%; hàng container ước đạt 6.2 triệu TEU, tăng 3.4% so với cùng kỳ.

Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam

CTCP Gemadept (HOSE: GMD) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cảng biển và logistics. Các mảng kinh doanh của GMD gồm khai thác cảng/ICD, vận tải biển – thủy, trung tâm phân phối hàng hóa… Trong đó, hoạt động khai thác cảng và ICD chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%) trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận.

GMD hiện đang khai thác 8 cảng/ICD với mạng lưới nằm ở cả 3 miền Bắc (Nam Hải ICD, cảng Nam Đình Vũ, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Nam Hải), Trung (cảng Dung Quất) và Nam (cảng Bình Dương, cảng ICD Phước Long và cảng Gemalink).

Nguồn: GMD

Hoạt động khai thác cảng tăng trưởng ấn tượng

GMD vẫn đảm bảo sự tăng trưởng lưu thông hàng hóa qua các cảng trong bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể, năm 2021, khối cảng khu vực phía Bắc của GMD đạt 1.04 triệu TEU, tăng 16%, cao hơn so với tăng trưởng chung 10% của khu vực phía Bắc.

Khối cảng khu vực phía Nam đạt 1.57 triệu TEU, tăng mạnh 95%, vượt trội so với mức tăng 13% của thị trường khu vực. Lũy kế cả năm, GMD đạt tổng sản lượng hơn 2.6 triệu TEU, tăng 53% so với năm 2020. Qua đó giúp mảng này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp năm 2021 đạt 2,762 tỷ đồng và 1,023 tỷ đồng, lần lượt tăng 27.92% và 22.82%.

Nguồn: GMD, VietstockFinance

Kết quả kinh doanh cải thiện

Lũy kế năm 2021, GMD ghi nhận doanh thu thuần tăng 23%, đạt gần 3,206 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 63%, đạt gần 605 tỷ đồng; biên LNST cải thiện lên mức 18.9%. Kết quả này có đóng góp lớn từ việc cảng Gemalink ghi nhận lãi và đạt ngưỡng hòa vốn trong quý 4/2021 nhờ hoạt động hết công suất trong bối cảnh hoạt động luân chuyển hàng hóa qua khu vực cảng Cái Mép duy trì ở mức cao.

Kỳ vọng LNST năm 2022 tăng trưởng trên 28%. Với giả định cảng Gemalink khai thác hết công suất cùng giá dịch vụ điều chỉnh theo lạm phát kỳ vọng 4%. Chúng tôi ước tính LNST năm 2022 của GMD có thể đạt 779 tỷ đồng, tăng 28.8% so với năm 2021, trong đó đóng góp lớn từ cảng Gemalink.

Nguồn: GMD, VietstockFinance

Triển vọng lạc quan

Nhóm cảng khu vực miền Bắc kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng từ 10%-15% khi áp lực dịch chuyển nguồn hàng và cạnh tranh với khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện suy giảm do chưa có nguồn cung mới cho đến năm 2025. Mặt khác, tình trạng bồi lắng tại cảng Lạch Huyện vẫn chưa có chuyển biến, khi công tác nạo vét còn chậm ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận tàu. Điều này sẽ giúp các cảng Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ của GMD được hưởng lợi.

Tại khu vực miền Nam, cảng Gemalink đã đạt điểm hòa vốn và mang lại lợi nhuận, chúng tôi kỳ vọng cảng Gemalink sẽ tiếp tục khai thác hết công suất trong năm 2022 nhờ cú hích từ các Hiệp định Thương mại tự do và các mặt hàng xuất khẩu chính (thủy sản, dệt may…) có sự tăng tốc trở lại.

Nguồn: GMD, Cảng vụ Hải phòng, Cảng vụ BR - VT

Các dự án đầu tư

GMD đang dự kiến trình cổ đông thông qua việc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1 để thực hiện đầu tư tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa (800 tỷ đồng), tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link để đầu tư mở rộng giai đoạn 2 (1,000 tỷ đồng) và đầu tư mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty (209 tỷ đồng).

Theo GMD, Gemalink giai đoạn 1 hiện đang trong quá trình mở rộng, dự kiến sẽ hoàn thành cuối tháng 4/2022. Giai đoạn 2 của dự án có quy mô 39ha, 350m cầu bến với công suất 900,000 TEU đang trong quá trình thu xếp vốn và thực hiện các thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2022 và đưa vào khai thác năm 2023. Sau khi hoàn thành Giai đoạn 2, công suất của cảng Gemalink sẽ được nâng lên 2.25 triệu TEU.

Giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ có quy mô 21ha đã được khởi công vào cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022.

Nguồn: GMD

Chiến lược đầu tư

Điểm giao cắt vàng (golden cross) đã xuất hiện giữa SMA 50 ngày và SMA 100 ngày vào cuối tháng 03/2022. Tín hiệu này chính thức củng cố đà tăng của cổ phiếu GMD.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại thường xuyên nằm dưới mức trung bình 20 ngày. Vì vậy, khó có thể kỳ vọng giá sẽ có sự bứt phá trong ngắn hạn khi mà phân kỳ giá xuống (bearish divergence) đều đang hình thành.

Vùng 52,000-55,000 (tương đương đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 09/201 và tháng 11/2021) sẽ đóng vai trò hỗ trợ chính trong thời gian tới nến đà giảm mạnh quay trở lại. Việc mua vào tại đây được ủng hộ với mục tiêu giá trong dài hạn là vùng 68,000-70,000.

Nguồn: VietstockUpdater

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI