ĐHĐCĐ POW: Kế hoạch 2022 chưa bao gồm lợi nhuận thoái vốn và tiền đền bù sự cố nhà máy Vũng Áng 1

ĐHĐCĐ POW: Kế hoạch 2022 chưa bao gồm lợi nhuận thoái vốn và tiền đền bù sự cố nhà máy Vũng Áng 1

Sáng ngày 19/04, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HOSE: POW) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022. Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 ước tính hơn 751 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ và thực hiện 87% kế hoạch cả năm.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của POW diễn ra sáng ngày 19/04

Lợi nhuận quý 1/2022 tích cực

Về tình hình kinh doanh, POW ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 ước tính hơn 751 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ và thực hiện đến 87% kế hoạch cả năm.

Theo Ban lãnh đạo cho biết quý 1 thường là quý kinh doanh tốt trong năm. Bên cạnh đó, quý 1 năm nay ghi nhận giá chào thị trường tích cực, dẫn đến lợi nhuận cũng cao hơn. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh thuyên giảm, nền kinh tế bắt đầu phá triển trở lại, nhu cầu tăng lên giúp POW bán điện được nhiều hơn.

Nguồn: POW

Dự án Nhơn Trạch 3&4 đã sẵn sàng khởi công

Nói về tiến độ dự án Nhơn Trạch 3&4, Ban quản lý đang chuẩn bị trình tiến độ cấp 2 và 3 của dự án. Dự kiến 30/04 ngày bắt đầu công việc, đối với tổ máy 1 là 30 tháng, tổ máy 2 là 36 tháng. Nếu 30/04 là ngày tính tiến độ thì khoảng tháng 10/2024 sẽ vận hành tổ máy số 1 và tới tháng 4/2025 vận hành tổ máy số 2. Hiện ban quản lý đang chờ ngày chính thức bắt đầu công việc. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ lắp đặt lò hơi chính thức.

POW cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị khởi công. Về thời gian cụ thể, tỉnh Đồng Nai thống nhất rằng sự kiện này sẽ ghép vào một số sự kiện khác của tỉnh khi Thủ tướng vào làm việc với tỉnh.

Điện than gặp khó do giá nhiên liệu tăng cao

Mặt khác, hiện tại than đang rất khan hiếm, một nhà máy điện than đang ở tình trạng không đủ than để chạy. Nhà máy Vũng Áng 1 chỉ đủ than dữ trữ 5 ngày, thấp hơn nhiều so với quy định là 1-2 tháng.

Theo quy định hiện hành, phần than bị thiếu so với Tập đoàn TKV cung cấp, POW phải chủ động tìm kiếm các nguồn khác như nhập khẩu nước ngoài, từ đối tác… tuy nhiên bị vướng về mặt thủ tục. Các nhà máy điện than gặp vấn đề là các nhà máy này phải tự lo phần than bị thiếu nhưng giá lại không được cao hơn giá do TKV cấp. Trong khi đó, giá nhập khẩu đang cao hơn 3-4 lần, không nhà cung cấp nào chấp nhận bán với giá thấp hơn TKV.

Phía POW mong muốn EVN tháo gỡ khó khăn và cố gắng tìm đủ nguồn than để chạy, nhất là trong năm nay. Hiện nhà máy vẫn đủ nguồn than, chưa phải dừng như một số nhà máy khác nhờ được sự hỗ trợ của TKV.

Đang tính toán số tiền bảo hiểm sự cố nhà máy Vũng Áng 1

Liên quan đến sự cố tại Vũng Áng 1 vào hồi cuối năm 2021, Ban lãnh đạo cho hay tất cả các nhà máy điện của POW đều được mua bảo hiểm tài sản. Năm 2021, POW còn mua thêm bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho Vũng Áng 1 do vậy nhà máy Vũng Áng 1 có hai bảo hiểm là gián đoạn kinh doanh và bảo hiểm tài sản.

Hiện tại, hai bên (POW và bảo hiểm) đang trong quá trình đàm phán nên chưa đưa ra con số tiền bảo hiểm cụ thể.

Kế hoạch 2022 chưa bao gồm lợi nhuận thoái vốn và tiền đền bù sự cố nhà máy Vũng Áng 1

POW đặt kế hoạch sản lượng năm 2022 đạt 13,909 triệu kWh, trong đó Công ty mẹ chiếm 9,558 triệu kWh. Doanh thu dự kiến 24,242 tỷ đồng và lãi sau thuế 743 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 64% so với thực hiện 2021.

Theo Tổng Giám đốc Lê Như Linh cho biết, Công ty dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay.

Thứ nhất, dư địa của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải và sản xuất điện trong khi nguồn cung của hệ thống điện quốc gia tăng đáng kể do bổ sung các nhà máy điện mới đưa vào vận hành và các nguồn năng lượng tái tạo… ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà máy điện hiện có của POW.

Thứ hai, về nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, các nhà máy điện của POW phải sử dụng nguồn khí bổ sung giá cao ảnh hưởng lớn tới tính cạnh tranh khi tham gia thị trường điện.

Đặc biệt, năm 2022, nhiều nhà máy sẽ ngừng máy để thực hiện sửa chữa lớn như Cà Mau 1&2 thực hiện đại tu, Nhơn Trạch 1 thực hiện trung tu, Vũng Áng 1 thực hiện đại tu và khắc phục sự cố của tổ máy số 1, Đakđrinh thực hiện đại tu.

Ngoài ra, công tác thu xếp vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư các dự án của POW cũng dự báo gặp áp lực rất lớn trong bối cảnh phải tự vay - tự trả, không được hỗ trợ bảo lãnh vay vốn nước ngoài của Chính phủ và của Tập đoàn EVN.

Năm 2022, POW dự kiến sẽ thoái vốn tại CTCP Điện Việt Lào và CTCP EVN Quốc tế. Theo POW cho biết, tại thời điểm xây dựng kế hoạch chưa xác định giá đối với 2 đơn vị này. Do đó, chưa đưa phần lợi nhuận (nếu thoái vốn hoàn tất) vào kế hoạch. Ngoài ra, số tiền đền bù bảo hiểm sự cố tại Vũng Áng 1 cũng chưa được tính toán vào.

Không chia cổ tức 2021 để tập trung nguồn lực

Năm 2021, POW có doanh thu 24,561 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 2,052 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ 1,584 tỷ đồng. Về phân phối lợi nhuận Công ty mẹ 2021, POW dự kiến trích quỹ đầu tư phát triển 1,437 tỷ đồng và không chia cổ tức để tập trung nguồn lực thực hiện dự án. Kế hoạch cổ tức năm 2022 chưa được đề cập.

Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua. Đại hội đã bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Ngọc Bích vào thành viên HĐQT POW, thay thế cho ông Phạm Xuân Trường. Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Xuân Trường giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 từ ngày 12/11/2021.

*Báo cáo thường niên 2021 của POW

Xuân Nghĩa

FILI