Bộ Tư pháp nói gì về kê biên, phong toả tài khoản lãnh đạo FLC và Tân Hoàng Minh?

Bộ Tư pháp nói gì về kê biên, phong toả tài khoản lãnh đạo FLC và Tân Hoàng Minh?

Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, đơn vị đang theo dõi sát việc kê biên tài sản của các lãnh đạo Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh để kịp thời phối hợp với đơn vị liên quan làm tốt công tác thi hành án.

Cơ quan tố tụng đang kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bảo đảm thi hành án sau này và quyền lợi cho người dân - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chiều 27/4, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ thông báo về kết quả, tình hình hoạt động quý I/2022 của Bộ Tư pháp. Chánh văn phòng Bộ Tư pháp kiêm người phát ngôn Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.

Liên quan đến việc các cơ quan pháp luật bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, câu hỏi đặt ra là các cơ quan tố tụng có nên kê biên tài sản của họ để phục vụ cho việc thi hành án sau này hay không cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Công tác thi hành án dân sự gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi Tòa án tuyên số tiền, tài sản mà các bị cáo phải thi hành rất nhiều nhưng bị tẩu tán nên số thi hành được rất ít.

Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Điều 126 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: "Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản".

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương cũng có nội dung: Kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

"Hiện nay, các cơ quan tố tụng đã tiến hành các biện pháp tạm giữ, phong toả tài khoản để phục vụ quá trình điều tra. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm việc thi hành án dân sự sau này, nếu có", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi nói.

Trước đó, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an liên tiếp khởi tố hai vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng về các tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cơ quan điều tra cáo buộc, từ ngày 1/12/2021 - 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo các thuộc cấp "thông đồng" đẩy giá cổ phiếu lên cao, rồi chỉ đạo người thân bán 175 triệu cổ phiếu FLC, thu lợi bất chính 530 tỷ đồng.

Còn ông Dũng bị cáo buộc sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định của pháp luật, tổng giá trị 10,030 tỷ đồng, để huy động tiền nhà đầu tư.

Sau khi khởi tố, Bộ Công an đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đứng tên cá nhân cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng người thân. Trong đó, có hai người em gái ruột bị tạm giam; đề nghị các tỉnh tạm dừng cho giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp,... với các khối tài sản như bất động sản, cổ phần, góp vốn, cổ phiếu của ông Quyết và các cá nhân trên.

Với Tân Hoàng Minh, cơ điều tra đã thông báo để bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nắm tình hình, cung cấp thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ sau này.

Trong diễn biến mới nhất, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất bổ sung vụ án tại FLC, Tân Hoàng Minh vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Nhật Quang

FILI