Kinh tế hành lang sông Sài Gòn: “Chảy” từ đâu, về đâu?

Kinh tế hành lang sông Sài Gòn: “Chảy” từ đâu, về đâu?

Ngày 17/03, một sự kiện thu hút chú ý của dư luận và là tâm điểm của công luận: Cung thỉnh lư hương và an vị tại tượng đài Đức Thánh Trần trong ngày khánh thành công trường Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng. Công đoạn quan trọng này đã hoàn tác kế hoạch chỉnh trang đô thị khu vực sông Sài Gòn kết nối các công trình trên bộ, hành lang sông như bến Bạch Đằng, công trường Mê Linh (sẽ tiếp nối với cột cờ Thủ Ngữ, cảng Ba Son…).

Đây cũng chính là một trong những hoạt động khởi động cho đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045” vừa được UBND TP.HCM phê duyệt. Theo đó, thành phố sẽ từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước.

Không phải ngẫu nhiên khi quy hoạch phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM được tái khởi động. Bởi, trải qua cơn đại dịch, chính quyền thành phố đã “nghiệm thu” từ thực tế những bất cập của các khu nhà ở ven kênh rạch. Cũng như cần phải đa dạng hóa các nguồn lực kinh tế, trong đó, kết nối, mở rộng, phát triển lợi thế của giao thông thủy với mạng lưới giao thông đường bộ cùng các công trình lịch sử, văn hóa và dịch vụ trên bờ, hành lang sông là “vốn liếng” bản sắc của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM.

Kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn trước hết cần được xác lập ở chính các giá trị văn hóa - lịch sử đã và đang tồn tại trong không gian “trên bến” - dọc tuyến bờ, hành lang của con sông và “dưới thuyền” - là dòng chảy ngang qua những điểm son, địa chỉ lịch sử, văn hóa và mở rộng đến mạng lưới sông ngòi của toàn khu vực đồng bằng.

Sẽ không thể có một kinh tế dịch vụ đơn thuần bởi nó cần phải gắn kết với các công trình, cảnh quan, con người mang bản sắc vùng, khu vực được lưu dấu. Nó vừa là nơi lưu giữ ký ức lịch sử cho những người đã gắn bó và đang tìm đến để khám phá, tìm hiểu về thành phố; nó vừa là điểm thu hút, kết nối với người trẻ, du khách yêu chuộng sự tiện ích, năng động, hiện đại bằng các loại hình trải nghiệm khám phá, thụ hưởng giá trị thiên nhiên, cộng đồng. 

Vì vậy, một trong những ý tưởng đã được quy hoạch là sự kết nối hành lang hai bờ Đông - khu vực Thủ Thiêm với bờ Tây - khu vực bến Bạch Đằng, công trường Mê Linh, ga tàu thủy, cảng Ba Son, trong đó lấy con sông làm trục chính, kết nối hạ tầng của hai bờ đối diện để “bên này” - là các công trình di sản song hành với “bên kia” - một thành phố mới với sự phát triển quy củ, hiện đại.

Hệ thống giao thông đường thủy sẽ phải được đầu tư và khai thác mạnh mẽ hơn nữa, trong đó tăng số lượng lẫn chất lượng phục vụ của waterbus, mở rộng mạng lưới kết nối các điểm đón/đưa, đi/đến. Bên cạnh đó là mở rộng “làn” cho giao thông thủy từ TPHCM đi/đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Điều này sẽ giảm áp lực cho giao thông đường bộ, giảm chi phí vận chuyển, mang lại sự an toàn cho hàng hóa lẫn con người trong khi lưu thông.

Đặc trưng của một đô thị cảng sông như TPHCM cần được nhìn rộng - kết nối cảng vùng, liên kết vùng và nhìn sâu - kết nối trong hệ thống đường thủy nội đô thành phố để từ đó mới khai thác, phát triển đúng trọng lực, trọng điểm cho thành phố.

Tất nhiên, không ít nỗi lo đã được đặt ra, trong đó, giải tỏa những lấn chiếm, vi phạm về xây dựng dọc theo ven sông Sài Gòn là một bài toán khó; vận hành kinh tế dịch vụ ven sông mà phải đảm bảo không vi phạm không gian, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, làm ảnh hưởng chuỗi kết nối với công trình di sản là một thách thức không nhỏ.

Những “nỗi lo” nói trên, diễn dịch ra thành những quy tắc thành văn, triệt để tuân thủ, liên tục kiểm soát cần được đặt ra như một thành tố đầu tiên, quan trọng bậc nhất trước, trong và sau khi triển khai các đề án/dự án. Bởi, rốt cùng, phát triển kinh tế hành lang sông là phát huy giá trị văn hóa đi cùng dịch vụ, là phát triển mạng lưới giao thông đường thủy với giá trị văn hóa - xã hội trên bờ, ven sông, không thể vì một trong hai mà làm mất đi bản sắc của thành phố - cả dấu triện văn hóa lịch sử lẫn tính năng động trong tổ chức dịch vụ.

Quốc Học

FILI