Thị trường tiền ảo tuần qua: Hàng loạt đồng tiền ảo giảm mạnh 

Thị trường tiền ảo tuần qua: Hàng loạt đồng tiền ảo giảm mạnh 

Bitcoin về gần ngưỡng 41,000 USD và hàng loạt đồng tiền ảo khác giảm mạnh sau khi Fed phát tín hiệu thắt chặt chính sách nhanh hơn.

Thị trường tiền ảo đỏ lửa, Bitcoin đã giảm 40% so với đỉnh

Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất hiện giảm xuống 41,882 USD vào sáng ngày 08/01, giảm hơn 10% trong 7 ngày qua và giảm 40% so với kỷ lục gần 69,000 USD thiết lập hồi ngày 10/11.

Gần đây, Bitcoin liên tục giảm giữa lúc thị trường tài chính nói chung bị biến động mạnh. Đà tăng vọt của lạm phát thôi thúc các NHTW trên toàn cầu siết chặt chính sách tiền tệ, đe dọa làm giảm bớt lượng thanh khoản dồi dào hiện tại – vốn là yếu tố thúc đẩy giá tài sản trong 2 năm qua.

Trong khi đó, đồng Ethereum sụt gần 14% xuống gần 3,200 USD, thấp nhất kể từ ngày 30/09.

Các đồng tiền khác trong top 10 cũng nhuốm sắc đỏ, Binance Coin giảm gần 13%, Solana sụt 20%, Terra lao dốc 20%.

Vốn hóa thị trường tiền ảo giảm xuống 1,190 tỷ USD, giảm hơn 120 tỷ USD trong tuần qua.

Top 10 đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất

Nguồn: CoinMarketCap

Đà giảm diễn ra sau khi biên bản họp tháng 12 của Fed phát tín hiệu NHTW có thể nâng lãi suất sớm hơn và nhanh hơn dự báo, cũng như khả năng cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán.

"Các nhà hoạch định chính sách lưu ý rằng, dựa trên triển vọng cá nhân của họ đối với nền kinh tế, thị trường lao động và lạm phát, Fed có thể tăng lãi suất quỹ liên bang sớm hơn hoặc với tốc độ nhanh hơn dự kiến", biên bản có đoạn.

Bên cạnh đó, một số nhà hoạch định chính sách cũng ủng hộ việc bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed ngay sau khi tăng lãi suất.

"Một số quan chức cũng tin rằng, thời điểm phù hợp để bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của Fed là ngay sau khi Fed tăng lãi suất", trích từ biên bản cuộc họp chính sách tháng 12.

Bạo loạn tại Kazakhstan khiến thợ đào Bitcoin khốn khổ

Khi đất nước Trung Á Kazakhstan rơi vào hỗn loạn trong tuần này, trung tâm đào Bitcoin nơi đây cũng bị tác động mạnh.

Cách đây gần 1 năm, Trung Quốc đã cấm tất cả thợ đào tiền kỹ thuật số, nhiều trong số này đã tìm tới đất nước láng giềng Kazakhstan. Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi các thợ đào này xây dựng cơ sở hạ tầng đào tiền ảo, các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu đã biến thành cuộc bạo loạn tồi tệ nhất mà Kazakhstan từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ qua và cũng khiến các thợ đào tiền ảo bị mắc kẹt giữa làn đạn.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu nhà cung cấp viễn thông quốc doanh ngừng dịch vụ Internet, qua đó khiến hoạt động đào Bitcoin tại đất nước này bị tạm ngưng. Được biết, các thợ đào Bitcoin tại Kazakhstan chiếm gần 15% tổng hoạt động đào Bitcoin trên thế giới, Kevin Zhang tại Foundry cho biết.

Internet bị ngắt khiến các xưởng đào coin tại Kazakhstan dừng hoạt động, đúng vào thời điểm thị trường tiền số giảm giá mạnh.

Tình cảnh “bóng đêm Internet” khiến cho các thợ đào không thể tiếp tục hoạt động. “Không có Internet, không thể đào coin được”, thợ đào Didar Bekbau chia sẻ trên Twitter.

Giới tỷ phú nhắm đến tiền mã hóa để phòng thủ lạm phát 

Mối quan tâm của các tỷ phú ngành tài chính dành cho ngành công nghiệp tiền mã hóa ngày càng lớn khi họ có xu hướng xem Bitcoin và những đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn khác là tài sản chống lạm phát bất chấp mức biến động giá rất lớn của chúng.

Năm 2017, Chủ tịch Công ty môi giới Interactive Brokers, Thomas Peterffy đăng quảng cáo toàn trang trên tờ Wall Street Journal để cảnh báo về những rủi ro mà các hợp đồng tương lai Bitcoin gây ra cho thị trường vốn. Hiện nay, vị tỷ phú người Mỹ gốc Hungary với tài sản khoảng 25 tỷ đô la này là một chuyên gia về tiền mã hóa. Peterffy khuyên giới đầu tư phân bổ 2-3% tài sản cá nhân vào các đồng tiền mã hóa đề phòng trường hợp các đồng tiền pháp định bị mất giá nghiêm trọng.

Peterffy đang nắm giữ một số đồng tiền mã hóa, trong khi công ty ông gần đây đã cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao dịch Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Bitcoin cash, sau khi nhận thấy họ đang có nhu cầu lớn.

Thomas Peterffy

Nhà tỷ phú 77 tuổi này cho biết, Interactive Brokers sẽ cho phép khách hàng giao dịch thêm từ 5-10 đồng tiền mã hóa nữa bắt đầu từ tháng này. Ông cho rằng tiền mã hóa có thể mang lại lợi nhuận phi thường, ngay cả khi điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Ông nói: “Tôi nghĩ giá trị tiền mã hóa có thể về zero nhưng cũng cho rằng nó có thể lên tới một triệu đô la”.

Trường hợp của Thomas Peterffy cho thấy thái độ đang thay đổi đối với tiền mã hóa của những nhà đầu tư tỷ phú từng coi thường hoặc cảnh giác với các đồng tiền số nhưng trong năm qua nhận ra rằng họ không thể bỏ lỡ tiềm năng kiếm được lợi nhuận lớn.

Ngay cả khi giá cả trên thị trường tiền mã hóa biến động dữ dội, các nhà đầu tư lớn nhỏ vẫn hăng hái mua bán Bitcoin và ethereum cũng như các mã thông báo không thể thay thế (NFT) dựa trên công nghệ blockchain, tiền mã hóa theo chủ đề chó đứng đầu là shiba inu và dogecoin cũng như các đồng mã hóa rác khác (shitcoins).

Chỉ vài tháng sau khi đưa ra quan điểm hoài nghi về khả năng bảo tồn giá trị tài sản của tiền mã hóa, tỷ phú Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, Bridgewater Associates, gần đây tiết lộ ông đang nắm giữ một số đồng Bitcoin và ethereum trong danh sách mục đầu tư.

Ông xem đây là các khoản đầu tư vào các đồng tiền thay thế trong một thế giới tiền mặt ngày càng mất giá trị vì lạm phát đang làm xói mòn sức mua của chúng. Ông nói: “Tiền mặt không còn là khoản đầu tư an toàn vì nó đang bị 'đánh thuế' bởi lạm phát”.

Tỷ phú Paul Tudor Jones, nhà sáng lập Công ty đầu tư Tudor Investment Corporation, nói ông thích tiền mã hóa hơn vàng ở phương diện phòng thủ lạm phát. Ông cho biết tỷ trọng các đồng tiền mã hóa trong danh mục đầu tư của ông đang ở mức hai con số.

Cuộc khảo gần đây do Ngân hàng Goldman Sachs thực hiện với hơn 150 công ty quản lý tài sản của các gia đình siêu giàu trên thế giới mà ngân hàng này đang có mối quan hệ kinh doanh, cho thấy 45% trong số họ muốn bổ sung tiền mã hóa vào danh mục đầu tư để giúp phòng thủ trước tình hình lạm phát tăng nhanh.

Vũ Hạo

FILI