Còn bao nhiêu ngân hàng chưa lên sàn?

Còn bao nhiêu ngân hàng chưa lên sàn?

Lợi ích của việc đưa cổ phiếu lên sàn là rất lớn, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn một số ngân hàng chưa có động thái gì về việc này.

Trong năm 2021, có 3 ngân hàng chính thức đưa cổ phiếu lên sàn và 1 ngân hàng đưa cổ phiếu giao dịch lên sàn UPCoM. Phần lớn các ngân hàng khi lên sàn đều gia tăng được giá trị doanh nghiệp.

Là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên HOSE trong năm 2021, cổ phiếu OCB dù có khởi đầu không mấy suôn sẻ vẫn kịp để lại dấu ấn với mức tăng 52% giá trị sau 1 năm. Đến phiên sáng 27/01/2022, OCB giao dịch quanh mức 27,800 đồng/cp, thanh khoản bình quân trên 4.4 triệu cp/ngày. Có thời điểm, giá cổ phiếu OCB còn vọt lên 30,500 đồng/cp (25/11/2021) - mức giá tốt nhất được ghi nhận từ khi niêm yết đến nay.

Niêm yết trong giai đoạn kết quả kinh doanh đầy khả quan, hơn 1.2 tỷ cp SSB của SeABank lên sàn HOSE vào ngày 24/03/2021 với giá tham chiếu 16,800 đồng/cp. Kết phiên giao dịch đầu tiên ở mức trần 20,150 đồng/cp và duy trì 6 phiên tím trần liên tục. Tính đến phiên sáng 27/01/2022, giá cổ phiếu SSB dừng ở mức 38,500 đồng/cp, tăng 185% so với ngày đầu niêm yết, thanh khoản bình quân trên 2 triệu cp/ngày.

Trước đó, 708.5 triệu cp BAB của Bac A Bank cũng chính thức niêm yết trên sàn HNX vào ngày 03/03/2021 với giá tham chiếu 16,000 đồng/cp. Hiện thị giá BAB đạt 23,100 đồng/cp, tăng gần 64% sau khi lên sàn, tuy nhiên thanh khoản lại èo uột, chưa đến 100,000 cp/ngày.

Trên sàn UPCoM, ngày 20/07/2021, gần 445 triệu cp VAB của VietABank cũng bắt đầu giao dịch với giá tham chiếu 13,500 đồng/cp. Sau gần nửa năm giao dịch trên sàn, giá cổ phiếu VAB tăng hơn 34%, đầu phiên sáng 27/01/2022 ở mức 15,000 đồng/cp, thanh khoản ở mức 800,000 cp/ngày.

Diễn biến giá cổ phiếu các ngân hàng lên sàn trong năm 2021

Những lợi ích của việc niêm yết là không thể bàn cãi. Đầu tiên, việc niêm yết giúp các ngân hàng tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, qua đó mở ra cơ hội huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động.

Hơn nữa, việc đáp ứng được các tiêu chí khắt khe để niêm yết trên sàn HOSE sẽ mang lại sự tín nhiệm cao hơn cho các ngân hàng. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn so với sàn UPCoM.

Lợi ích thứ ba là khi cổ phiếu niêm yết trên HOSE, các ngân hàng sẽ tăng khả năng thu hút được các quỹ lớn đầu tư. Một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu trên UPCoM, do đó việc chuyển sang HOSE sẽ giúp tăng khả năng cổ phiếu được các quỹ ngoại lớn tiếp cận.

Lợi ích là vậy, song hiện tại chỉ mới có 27 mã ngân hàng trên sàn chứng khoán (HOSE: 17, HNX: 2, UPCoM: 8). Vẫn còn một số nhà băng chưa có động thái về việc lên sàn như SCB, PVComBank và BaoViet Bank.

Trong 3 ngân hàng này, chỉ có SCB đã có lộ trình rõ ràng. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020, SCB cho biết lộ trình tăng vốn và niêm yết trên sàn HOSE chậm nhất là năm 2025. Hai ngân hàng còn lại chưa đề cập đến việc lên sàn.

Việc các ngân hàng trì hoãn hoặc không đề cập đến việc niêm yết có thể xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết có thể là việc phải công khai, minh bạch các số liệu báo cáo tài chính. Nhìn lại, các ngân hàng chưa niêm yết đều công bố báo cáo tài chính rất trễ so với các nhà băng còn lại trong hệ thống. Thậm chí phần thuyết minh báo cáo tài chính cũng bị giấu đi. Khi niêm yết, tất cả các số liệu đều phải công khai từ lợi nhuận cho đến nợ xấu, trích lập dự phòng… Thêm vào đó, nhiều nhà băng vẫn còn trong giai đoạn tái cơ cấu, hiệu quả hoạt động lẫn lợi nhuận thực sự chưa tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc định giá cổ phiếu và uy tín cũng như quá trình thu hút nhà đầu tư.

Quyết định lên sàn hay không tại thời điểm hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chính ngân hàng. Khi một ngân hàng cảm thấy đủ sức khỏe tài chính, thị trường thuận lợi đủ giúp ngân hàng định giá đúng được thực chất, khi đó việc lên sàn mới là bước đệm, giúp ngân hàng chuyển mình và tăng trưởng.

Trật tự các ngân hàng trên sàn chứng khoán

Cát Lam

FILI