Chứng khoán toàn cầu chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm

Chứng khoán toàn cầu chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm

Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo mạnh trong tuần qua khi đà lao dốc hơn 20% của cổ phiếu Netflix châm ngòi cho làn sóng bán tháo ở nhóm cổ phiếu công nghệ và lan sang các lĩnh vực khác.

Nhà đầu tư đổ xô tháo chạy khỏi các cổ phiếu đầu cơ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp bước vào quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Phố Wall giảm cực mạnh, trong đó những cổ phiếu công nghệ bay cao trong năm qua là những cổ phiếu giảm mạnh nhất.

149 cổ phiếu thuộc S&P 500 giảm hơn 20% 

Chỉ số Nasdaq Composite sụt 7.6% trong tuần qua, giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 làm chao đảo thị trường tài chính trong tháng 3/2020.

Chỉ số S&P 500 sụt 5.7% trong tuần qua. Hơn 2/3 trong chỉ số này đã rơi vào tình trạng điều chỉnh kỹ thuật – tức giảm ít nhất 10% so với mức kỷ lục. Thậm chí, 149 cổ phiếu đã giảm 20% hoặc hơn.

Chỉ số FTSE theo dõi cổ phiếu thị trường phát triển và thị trường mới nổi đã giảm 4.2% trong tuần qua, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.

Nằm trong những cổ phiếu Mỹ giảm mạnh nhất là Netflix với cú lao dốc 22% trong ngày 21/01, sau khi tập đoàn này cảnh báo tăng trưởng về số lượng người đăng ký xem Netlflix (subscriber) đã chậm lại đáng kể. Đà giảm trong ngày 21/01 đã “thổi bay” 49 tỷ USD vốn hóa của cổ phiếu Netflix, tương đương với vốn hóa của tập đoàn thực phẩm Kraft Heinz.

Tim Skiendzielewski, Giám đốc đầu tư tại quỹ quản lý tài sản 700 tỷ USD Abrdn, cho biết kết quả yếu ớt của các công ty đầu tiên công bố báo cáo tài chính đã “dội gáo nước lạnh” vào niềm tin của nhà đầu tư ngay khi thị trường vừa cho thấy dấu hiệu hồi phục sau đà bán tháo trước đó.

“Ngay lúc nhà đầu tư nhìn chung hy vọng thị trường đã chạm đáy và mùa báo cáo tài chính sẽ giúp xoa dịu nỗi lo của giới đầu tư, thì báo cáo của Netflix lại làm điều ngược lại, châm ngòi cho nỗi lo sợ trên thị trường”, ông nói.

Đà giảm của thị trường cổ phiếu thôi thúc nhiều nhà đầu tư mua các hợp đồng phái sinh để phòng hộ khả năng thị trường tiếp tục giảm. Khối lượng hợp đồng quyền chọn bán cổ phiếu tại Mỹ - tức sẽ mang lại lợi nhuận nếu chỉ số cơ sở giảm - đã vượt mức 30 triệu hợp đồng, lần đầu tiên khối lượng vượt mức này trong lịch sử.

“Tình trạng lây lan nỗi lo từ lĩnh vực công nghệ tới phần còn lại của thị trường là không thể tránh khỏi”, Luca Paolini, Trưởng bộ phận chiến lược tại Pictet Asset Management, cho hay. “Khi bạn bắt đầu chứng kiến các khoản lỗ nặng kiểu này, chúng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và rồi những thứ khác cũng sẽ giảm theo”.

Làn sóng tháo chạy khỏi các cổ phiếu tăng trưởng nhanh chóng và có định giá cao như Netflix trong ngày 21/01 nối dài đà giảm đã lan rộng ra thị trường toàn cầu, khi nhà đầu tư xem xét tới một Fed diều hâu hơn, nâng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn.

Các trader kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và kết thúc các biện pháp kích thích khác đã đưa ra kể từ đầu đại dịch Covid-19. Sự thay đổi xu hướng chính sách của Fed đã thể hiện trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ - một thị trường đóng vai trò là thước đo để định giá các tài sản khác.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong năm nay, châm ngòi cho làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ và chuyển sang các doanh nghiệp gắn liền với đà hồi phục kinh tế.

Lợi suất cao hơn làm giảm sự hấp dẫn của các cổ phiếu tăng trưởng, vốn có định giá phụ thuộc vào lợi nhuận trong tương lai. Lợi suất thực 10 năm cũng tiếp tục tăng, tích tắc chạm mức âm 0.54%, cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Các tài sản khác cũng nhuốm sắc đỏ khi lợi suất thực ngày càng tăng. Bitcoin – một tài sản đầu cơ cực cao đã chạm mức đỉnh trong tháng 11/2021 – lao dốc 17% trong năm 2022.

“Thị trường cổ phiếu trở nên cực kỳ bi quan về việc Fed thắt chặt tiền tệ”, Jim Tierney, Chuyên gia quản lý quỹ tập trung vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng tại AllianceBernstein, cho hay. “Fed chưa bao giờ quá diều hâu trong 20 năm qua, nhưng thị trường đang phản ánh kiểu họ sẽ buộc phải diều hâu như thế”.

Vũ Hạo (Theo Financial Times)

FILI