Chiến lược triệt tiêu Covid có thể kéo giảm chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc

Chiến lược triệt tiêu Covid có thể kéo giảm chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc

Chính sách triệt tiêu Covid-19 (Zero-Covid) của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng nhiều hơn các nhà máy, các chuyên gia kinh tế cho biết.

Khi các cơ quan chức trách áp thêm biện pháp kiểm soát đi lại và thực hiện phong tỏa ở một vài thành phố, các chuyên viên phân tích tỏ ra lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022.

Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích tập trung vào tác động tới chi tiêu tiêu dùng vốn đang rất ảm đạm của Trung Quốc.

Sự lây lan nhanh chóng của Omicron có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải trả giá nhiều hơn cho chính sách “Zero-Covid”, ông Ting Lu, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Nomura, nhận định. Ông Lu nhấn mạnh rằng các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn và hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch. Người lao động thuộc những ngành này có thể phải sống bằng tiền tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn hơn.

Hoạt động sản xuất cũng bị tác động bởi các chính sách kiểm soát Covid-19.

Về mặt tích cực, “chiến lược Zero-covid cùng với khả năng tận dụng nguồn lực của Bắc Kinh mang lại lợi ích rất lớn cho người dân và nền kinh tế, với số ca tử vong rất thấp, nhà máy hoạt động sôi nổi và xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng 31% trong 11 tháng đầu năm”, ông Lu cho biết.

Tuy nhiên, chính sách triệt tiêu Covid lại giáng đòn đến nhà hàng và khách sạn, theo bài phân tích của Dan Wang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Hang Seng China, nhận định. Hoạt động sản xuất và nông nghiệp ít bị tác động nhất và góp công nhiều nhất vào tăng trưởng.

“Bằng cách kiểm soát sự lây lan Covid-19, Trung Quốc có khả năng đảm bảo các điểm trong chuỗi cung ứng hoạt động tốt và sản lượng nông nghiệp và công nghiệp đều ở mức cao”, bà cho biết trong cuộc phỏng vấn tuần trước.

Sản lượng công nghiệp tăng trưởng 28% trong năm 2020 và tăng 10.1% trong 11 tháng đầu năm 2021. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bắt ngờ tăng trong tháng 12/2021, theo chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc.

Vì sao hoạt động sản xuất ít bị tác động?

Nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức, từ giá hàng hóa tăng cao đến cuộc trấn áp đối với ngành bất động sản. Tuy nhiên, các dữ liệu vẫn chỉ ra khả năng phục hồi hoạt động sản xuất tại nhà máy.

Ở Trung Quốc, các nhà sản xuất ít chịu ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa của thành phố. Bởi những nhà máy thường nằm rải rác tại các khu công nghiệp ngoại ô, còn nhân viên sống tập trung trong những ký túc xá, theo bà Yue Su tại The Economist Intelligence Unit.

Bà nhấn mạnh tới cách thức Foxconn – nhà cung ứng của Apple –có thể duy trì sản xuất tại Trịnh Châu (Hà Nam), bất chấp trận lũ lụt lịch sử đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người ở tỉnh này.

Bà kỳ vọng các cách tiếp cận khác nhau của các chính quyền địa phương đối với chính sách kiểm soát Covid sẽ tạo ra thành tích kinh tế khác nhau giữa các tỉnh.

“Chẳng hạn, ở Thượng Hải, khi xuất hiện 1 ca nhiễm, họ chỉ phong tỏa 1 quận hoặc 1 con đường”, bà nói. “Tuy nhiên, đối với một số chính quyền có nguồn lực y tế hạn chế, họ thường phong tỏa cả thành phố ngay lập tức, như những gì đã diễn ra ở Tây An”.

Dù vậy, Liu kỳ vọng tăng trưởng thương mại của Trung Quốc “vẫn ở mức cao”, bất chấp mức nền cao của 2 năm vừa qua.

Hơn 50% hàng hóa Trung Quốc sản xuất cho xuất khẩu đến từ các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô. Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2021, bất chấp nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu từ nước ngoài đang giảm tốc.

Rủi ro ở lần này là các nhà máy ở nước khác có thể khả tiếp tục hoạt động khi các chính phủ quyết định theo đuổi chiến lược sống chung với Covid. Thêm vào đó, nhu cầu đối với các thiết bị điện tử để phục vụ làm việc từ xa và thiết bị chăm sóc sức khỏe cũng sẽ lao dốc.

Các nhà máy ở những quốc gia khác cũng hoạt động trở lại, làm giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các nhà máy Trung Quốc.

"Chính sách 'Zero-Covid' của Trung Quốc có thể đảm bảo duy trì hoạt động bán lẻ và công nghiệp. Nhưng nếu thế giới sống chung với virus, Trung Quốc có thể gặp rủi ro bởi sự khác biệt giữa 2 chiến lược này", ông Gary Ng tại Natixis nhận định.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI