Big Invest Group sắp lên sàn UPCoM kinh doanh ra sao giữa mùa dịch?

Big Invest Group sắp lên sàn UPCoM kinh doanh ra sao giữa mùa dịch?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo chấp thuận cho cổ phiếu của CTCP Big Invest Group (BIG) đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 10/01/2022. Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu này có giá tham chiếu 10,900 đồng/cp. Theo đó, với 5 triệu cp đăng ký giao dịch, vốn hoá của BIG đang đạt gần 55 tỷ đồng.

BIG được thành lập năm 2017, hoạt động kinh doanh chính xoay quanh lĩnh vực mua bán và cho thuê bất động sản, sự kiện, xây dựng với vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 10 tỷ đồng. Sau hai lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của BIG đã đạt 50 tỷ đồng.

Trụ sở Big Invest Group tại TP.HCM

Tính đến tháng 9/2021, BIG đang có tổng tài sản gần 118 tỷ đồng, gấp rưỡi hồi đầu năm. Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần năm 2020 của BIG hơn 101 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Công ty đạt trên 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 3 tỷ đồng. Với kết quả này, BIG đã thực hiện được lần lượt 80% kế hoạch doanh thu và 70% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm.

Hiện tại, BIG đang triển khai và hoàn thiện một loạt các dự án khác với quy mô gần 200 tỷ đồng gồm toà nhà khách sạn, văn phòng ở Lào Cai, toà nhà văn phòng ở TP.HCM, khu nhà ở Bình Phước…

Kết quả kinh doanh của BIG. Đvt: Tỷ đồng

Theo BIG cho biết việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuyển đổi số trong bất động sản đã giúp Công ty tạo ra được doanh thu và hoàn thành các dự án đúng tiến độ dưới tình hình căng thẳng của dịch bệnh. Cùng với đó là việc lựa chọn phát triển theo mô hình cộng đồng đầu tư bất động sản để cùng triển khai nhiều dự án mới hoặc mua sỉ nhiều sản phẩm lớn từ các chủ đầu tư khác. Đây là một mô hình khá mới mẻ trong lĩnh vực bất động sản.

Các chuyên gia bất động sản nhận định nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn, bởi nước ta có dân số đứng thứ 15 thế giới với gần 100 triệu dân. Từ năm 2018 đến nay, thay vì bổ sung nguồn cung, các sản phẩm mới ra thị trường lại tiếp tục xu hướng nhỏ giọt. Điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục thiếu hàng trong các năm 2020-2022. Bên cạnh đó, nhóm ngành xây dựng và bất động sản là nhóm ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ gói kích cầu của Chính phủ và có triển vọng phát triển rất lớn trong thời gian tới.

Về thách thức, BIG có thể chịu ảnh hưởng chu kỳ phát triển của ngành xây dựng nói chung và kinh doanh bất động sản nói riêng.

Duy Na

FILI