Thời của trái phiếu tốt

Dịch vụ

Thời của trái phiếu tốt

"Sức nóng" của kênh trái phiếu doanh nghiệp không chỉ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, mà cũng được chú ý hơn từ phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc siết chặt hơn các quy định, theo giới phân tích, không làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư này, thay vào đó giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên lành mạnh, an toàn hơn.

Hai năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các đợt phát hành riêng lẻ, trở thành một trong những kênh đầu tư được quan tâm nhất. Mức lợi suất hấp dẫn, phổ biến trong khoảng 9-13%, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm, đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới kênh này.

11 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt trên 495,000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phát hành riêng lẻ chiếm 94.5%. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường chiếm lần lượt 34% và gần 28% tổng khối lượng phát hành.

Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng cũng là không ít lo ngại. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản.

Yêu cầu này được đưa ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16, bắt đầu có hiệu lực từ 15/01/2022, nhằm siết chặt hoạt động mua/bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), điều này sẽ có nhiều tác động đến thị trường trái phiếu, khi nhóm ngân hàng là một trong những người tham gia tích cực nhất. Việc siết dòng vốn vay qua kênh trái phiếu, đồng thời, cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bất động sản, khi nhóm này chiếm đến hơn 45% lượng trái phiếu phát hành mới trong 9 tháng đầu năm nay, với tổng giá trị hơn 200,000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu thực chất về tác động, SSI cho rằng sự thay đổi của thị trường sau những biện pháp mới từ cơ quan quản lý, sẽ về "chất" hơn là "lượng".

"Trong môi trường lãi suất thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn khi mang lại lợi nhuận vượt trội so với kênh tiền gửi truyền thống", ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh doanh Trái phiếu và Sản phẩm Cấu trúc Công ty chứng khoán SSI, đánh giá.

Yếu tố này càng quan trọng khi các nhà đầu tư cá nhân ngày càng biết đến nhiều, cũng như mở rộng khẩu vị đối với trái phiếu doanh nghiệp như một kênh đầu tư an toàn và ổn định nhưng vẫn có lợi nhuận hấp dẫn.

Thay vào đó, theo ông Lâm, việc thắt chặt các quy định sẽ làm tăng tính minh bạch cho thị trường và giảm thiểu rủi ro cho cả hệ thống tài chính. Do việc các tổ chức tín dụng bị hạn chế mua bán sẽ làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu, các doanh nghiệp muốn kêu gọi vốn qua kênh này sẽ có xu hướng tăng tính minh bạch thông tin, tăng cường chất lượng tín dụng của trái phiếu nói riêng và của tổ chức phát hành nói chung.

Thông tư mới cũng có thể giảm bớt lượng phát hành mới các trái phiếu “rác” với lãi suất cao ngất ngưởng nhưng thông tin không minh bạch, tổ chức phát hành không có nhiều uy tín và tình hình tài chính vững chắc, cũng như không có mục đích sử dụng vốn vay chính đáng và cụ thể.

Riêng với SSI, ông Lâm đánh giá, các quy định mới, đặc biệt là xu hướng tăng cường quản lý, yêu cầu minh bạch và giảm thiểu rủi ro, không ảnh hưởng quá nhiều đến việc vận hành SBOND – sản phầm đầu tư trái phiếu do SSI phân phối.

Đơn cử như đợt phát hành trái phiếu của CTCP Đạt Phương vừa được SSI phân phối chính thức từ ngày 01/12/2021. Trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo là cổ phiếu DPG. Lãi suất danh nghĩa năm đầu là 10.5% mỗi năm, từ năm thứ hai là lãi suất tham chiếu + biên độ 3.5% nhưng không thấp hơn 10.5%, kỳ hạn thanh toán lãi mỗi 6 tháng.

Để được đưa vào hệ thống S-Bond, Đạt Phương phải đáp ứng một loạt yêu cầu về cơ cấu vốn, khả năng thanh khoản, tài sản đảm bảo. Dù chỉ sử dụng tài sản bảo đảm là cổ phiếu, song quy mô tối thiểu 15 triệu cổ phiếu DPG cũng tương đương 200% quy mô đợt phát hành.

Xét về cơ cấu vốn, theo SSI, trong cơ cấu nguồn vốn của Đạt Phương, nợ vay chiếm khoảng 50% tổng tài sản và 70% tổng nợ phải trả. Trong các năm gần đây, công ty có xu hướng giảm đòn bẩy tài chính (từ 4.48x trong năm 2017 xuống 3.43x trong năm 2020). Tỷ lệ thanh khoản nhanh duy trì quanh mức 1.0, đặc biệt khi tiền mặt chiếm đến 40% tài sản ngắn hạn.

Nếu xét về kết quả kinh doanh, từ năm 2017 đến năm 2020, doanh thu DPG cũng tăng trưởng với mức tăng kép 14.5% mỗi năm. Mặc dù hoạt động xây lắp công trình hạ tầng bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch, lợi nhuận của Đạt Phương vẫn tăng hơn 7% mỗi năm. Thực tế, công ty này cũng luôn duy trì số dư tiền mặt dồi dào từ 600 – 700 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm.

"Vì khẩu vị và tiêu chuẩn của SSI cho danh mục SBOND từ trước đến nay vốn đã rất chặt chẽ và an toàn. Mỗi đợt phát hành trái phiếu để đưa vào danh mục SBOND đều được SSI thẩm định rất kĩ lưỡng, từ tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành đến việc định giá và xử lý tài sản đảm bảo của trái phiếu, cũng như kế hoạch sử dụng vốn và thanh toán nợ", Giám đốc Kinh doanh Trái phiếu và Sản phẩm cấu trúc của SSI bình luận.

Như trong mọi thị trường khác, ông Lâm cho rằng, việc đầu tư an toàn và hiệu quả yêu cầu việc trau dồi kiến thức và tìm hiểu thông tin. Nhà đầu tư nên tìm đến những nhà phân phối uy tín, bên cạnh đó, cũng nên chú trọng quản trị rủi ro thay vì chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận, vì bản chất trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một khoản vay.

FILI