Tạo nhiều kháng thể trước Covid, thị trường bất động sản hứa hẹn khởi sắc trong 2022

Tạo nhiều kháng thể trước Covid, thị trường bất động sản hứa hẹn khởi sắc trong 2022

Tại hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2021, các chuyên gia đánh giá dưới tác động của Covid-19, thị trường bất động sản (BĐS) đã có nhiều sự thay đổi lớn, từ hành vi, thị hiếu người mua tới chiến lược phát triển và cách thức kinh doanh của các đơn vị kinh doanh bất động sản. Từ đó, thị trường đang hứa hẹn khởi sắc sang 2022.

Dòng vốn vẫn rót vào thị trường BĐS

Nhìn lại tổng quan thị trường bất động sản năm 2021, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết trong 11 tháng vừa qua đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Tuy vậy, trong cái khó chung, thị trường cũng có nhiều triển vọng. Nổi bật là giá bất động sản hầu như không giảm, ngược lại bất động sản nhà ở còn tăng từ 5-9%, tùy địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do khan hiếm nguồn cung, trong khi cầu không giảm...

Cùng với đó, giá bất động sản công nghiệp cũng tăng từ 3-18%, tùy từng địa phương. Bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở... vẫn khả quan. Giá nguyên vật liệu dự báo sẽ hạ nhiệt, cơn sốt bất động sản được kiểm soát.

Đáng chú ý, nguồn vốn rót vào bất động sản trong năm 2021 vẫn khả quan. Trong đó, nguồn vốn tín dụng bất động sản quý 3/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng. Theo ông Lực, hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn đang trên đà tăng lên. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Dòng vốn vẫn rót vào thị trường bất động sản

Giá bất động sản 2021 đồng loạt tăng ở nhiều phân khúc

Tại hội nghị, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE đã chỉ ra dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá bất động sản của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng. Thị trường BĐS nhà ở bán chứng kiến thực trạng nguồn cung giảm do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội trong quý 3.

Ở phân khúc căn hộ, Hà Nội ghi nhận nguồn cung mới đến từ các dự án quy mô khu đô thị. Thị phần căn hộ cao cấp lần đầu tiên vượt trung cấp kể từ năm 2014, chiếm tới 65% nguồn cung toàn thị trường. Tại TP.HCM, nguồn cung mới chỉ ghi nhận sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp. Căn hộ bình dân vốn hoàn toàn biến mất khỏi thị trường từ quý 1/2019. Nguồn cung hạn chế khiến tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt mức rất cao, đặc biệt tại TP.HCM.

Ở thị trường Hà Nội, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 41% và 42% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 52%. Tại TP.HCM, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 89% và 73% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 82%.

Bà Dung nhấn mạnh giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai. Giá dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế. Cụ thể, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp TP.HCM tăng 17%.

Trong khi đó, thị trường nhà phố, biệt thự ghi nhận lượng mở bán hạn chế trước giai đoạn giãn cách. Tại Hà Nội, nguồn cung mới của quý 3/2021 chỉ đạt 440 căn với cơ cấu biệt thự 1%, liền kề 58% và nhà phố thương mại 41%. Nguồn cung mới phân khúc này trong quý 3/2021 ở TP.HCM chỉ khoảng chục căn với giỏ hàng hóa là 100% các căn liền kề. Theo bà Dương Thùy Dung, nhu cầu nhà phố, biệt thự ở mức cao đã tạo triển vọng tăng giá mạnh mẽ. Cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển đã tạo động lực cho nguồn cung và giá bất động sản liền thổ ​​tiếp tục tăng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%, nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TP.HCM, biệt thự tăng 3%, nhà phố tăng 17%, nhà phố thương mại tăng 6%.

Chuyển dịch dòng tiền đầu tư

Dự báo về xu hướng đầu tư bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng dòng tiền vào bất động sản sẽ dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Trước đây, dòng tiền đầu tư vào Tp.HCM rất nhiều và đa phần đến từ Hà Nội. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020, dòng tiền đó có xu hướng rút về Hà Nội, nhất là phân khúc thổ cư, chung cư có mặt bằng giá tốt.

So sánh thị trường giữa Hà Nội và Tp.HCM trong năm 2021 cho thấy giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội tăng khoảng 12% so với năm 2020. Trong khi đó, giá rao bán tại TP.HCM chỉ tăng khoảng 2%. Mức độ quan tâm, tìm kiếm nhà mặt phố bán tại Hà Nội cũng được ghi nhận mức tăng 42% so với năm 2019, trong khi Tp.HCM giảm 33%.

Trị trường đất nền năm 2021 cũng tiếp tục được người tìm kiếm nhiều, nhất là vào thời điểm cuối năm 2021. Nghiên cứu cho thấy mức độ quan tâm, tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng khoảng 19%, trong khi tại Tp.HCM giảm 8%.

Ông Quốc Anh nhận định năm 2022, loại hình chung cư sẽ tiếp tục ổn định. Loại hình nhà riêng, nhà mặt phố sẽ được hưởng lợi từ tỷ lệ tiêm vaccine cao và mở cửa du lịch. Loại hình đất nền cũng sẽ tiếp tục thu hút lượng tìm kiếm cao, nhất là đối với những khu vực có đầu tư công, nhất là các tỉnh ven Hà Nội.

Đồng quan điểm, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản thời gian tới cần tận dụng quỹ đất, sản phẩm trong và sau dịch COVID-19 đồng thời chủ động chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới.

Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị VRES 2021 do Batdongsan.com.vn tổ chức từ 13-17/12.

Nhiều kháng thể đã được tạo ra

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì vaccine chính là "kháng thể" cho thị trường. Doanh nghiệp bất động sản muốn có “kháng thể” tốt, đầu tiên phải tạo được tâm lý yên tâm cho đội ngũ nhân viên. Bởi, đa phần sales bất động sản có tuổi đời còn rất trẻ, chưa trải qua nhiều những biến cố của thị trường, nên đợt dịch vừa qua có thể coi là giai đoạn thử lửa tâm lý để tạo “kháng thể” tốt hơn.

Một loại “kháng thể” khác đang có ở các doanh nghiệp bất động sản là sự phản ứng linh hoạt với thị trường. Loại “kháng thể” thứ ba, theo vị chuyên gia, đó là doanh nghiệp bất động sản đã ứng dụng nhiều hơn về công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra lợi nhuận cạnh tranh. Nếu như trước đây, việc mở bán online còn khá đơn lẻ, lạ lẫm với nhiều người thì nay, có tới hơn 90% doanh nghiệp đã mở bán online…

Có chung quan điểm, bà Dương Thùy Dung cho rằng ở góc độ doanh nghiệp và người mua nhà, có thể thấy thị trường bất động sản hiện nay đã được tạo ra rất nhiều “kháng thể.”

Điều này thể hiện trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp bất động sản đã tự thích ứng linh hoạt với xu thế “bình thường mới” thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.

Ngoài các yếu tố trên, ông Cấn Văn Lực cũng nhận định sau các đợt dịch vừa qua, thị trường bất động sản đang có 4 “kháng thể” quan trọng. Thứ nhất là Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã vào cuộc rất quyết liệt, qua đó ban hành nhiều chính sách, đồng thời ban hành một số gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai là bản thân các doanh nghiệp cũng đã tự đổi mới sáng tạo, quan tâm nhiều hơn tới người lao động cũng như tạo môi trường làm việc từ xa. Thứ ba là các doanh nghiệp đã biết gắn kết, tham gia vào chuỗi giá trị để vượt qua khó khăn.

Yếu tố cuối cùng là nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung nhiều hơn vào chuyển đổi số, chú trọng các sản phẩm dịch vụ mới thông qua mua bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối tốt.

"Tôi tin rằng, những ‘kháng thể’ này sẽ tiếp tục giúp thị trường bất động sản phục hồi trong năm 2022”, ông Lực nói thêm.

Các chuyên gia có dự báo khác nhau về thời điểm phục hồi hoàn toàn thị trường bất động sản trong năm 2022 song đồng thuận quan điểm rằng thị trường sẽ tích cực hơn so với 2021. Ở những địa phương khác nhau, tốc độ hồi phục cũng sẽ khác nhau. Trong điều kiện kiểm soát thành công dịch bệnh, số ca F0 không tăng thêm, độ phủ 2 mũi vaccine đạt 90% và tái mở cửa nền kinh tế,… Hà Nội được dự báo sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung sớm nhất.

Duy Na

FILI