Ray Dalio: Không nên giữ tiền mặt lúc này dù thị trường đang biến động mạnh

Ray Dalio: Không nên giữ tiền mặt lúc này dù thị trường đang biến động mạnh

Huyền thoại Ray Dalio - người sáng lập công ty quản lý quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates – tiếp tục duy trì quan điểm rằng nhà đầu tư không nên nắm giữ tiền mặt dù rằng thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây vì biến chủng Omicron.

“Tiền không phải là một tài sản an toàn, không phải là kênh tránh bão vì tiền bị đánh thuế bởi lạm phát”, ông Dalio nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.

Trong những thời điểm thị trường biến động mạnh, điều quan trọng là nhà đầu tư nắm một danh mục an toàn và cân bằng, ông Dalio cho biết.

“Bạn có thể giảm rủi ro mà không giảm lợi nhuận. Nhưng bạn sẽ không thể xác định đâu là thời điểm mua hay bán. Ngay cả khi bạn là người giỏi xác định thời điểm, những gì đang xảy ra có thể khiến thế giới thay đổi, dẫn tới thay đổi những yếu tố được phản ánh vào giá tài sản”, ông nói.

Biến chủng Omicron của Covid-19 - được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi - đã gây bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu ngay trong ngày Black Firday của tuần trước (26/11) sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron vào nhóm “biến chủng đáng ngại”. Chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ sụt hơn 900 trong điểm trong phiên ngày thứ Sáu (26/11).

Thị trường chứng khoán thế giới phục hồi nhanh chóng từ đáy tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến. Đó là nhờ những gói kích cầu tài khoá và tiền tệ khổng lồ mà các Chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn cầu, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, cung tiền dư thừa trong hệ thống có thể gây ra những vấn đề nhất định về kinh tế và chính trị, theo ông Dalio.

“Không thể nâng mức sống bằng cách tăng cung tiền tín dụng trong hệ thống, vì làm như thế chỉ làm gia tăng lượng tiền trong khi lượng hàng hóa không thay đổi”, ông nói. “Tiền nhiều hơn sẽ tác động tới thị trường tài chính theo cách chúng ta đã thấy và sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát. Tăng cung tiền sẽ không nâng mức sống một cách rõ rệt. Khi lạm phát bắt đầu tấn công, thì hậu quả chính trị cũng xuất hiện”.

Số liệu mới đây từ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng mạnh nhất hơn 3 thập kỷ. Số liệu từ châu Âu ngày 30/11 cũng cho thấy lạm phát ở khu vực Eurozone trong tháng 11 cao nhất 24 năm.“Những gì chúng ta đang chứng kiến đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử, giống như chúng ta đang xem đi xem lại một bộ phim vậy”, ông Dalio nói.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI