Những công ty chứng khoán “zombie” có cổ phiếu tăng bằng lần

Những công ty chứng khoán “zombie” có cổ phiếu tăng bằng lần

Kết quả kinh doanh có triển vọng tốt, cổ phiếu tăng giá là lẽ thường nhưng thị trường hẳn đang hưng phấn thái quá. Một số công ty chứng khoán (CTCK) có kết quả kinh doanh èo uột trong nhiều năm hay vẫn còn những vướng mắc ở hoạt động kinh doanh nhưng cổ phiếu vẫn tăng bằng lần.

Trên sàn chứng khoán, nhiều cổ phiếu tăng mạnh phản ánh làn sóng tăng trưởng của khối CTCK. Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Mirae Asset, trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của các CTCK khá thuận lợi và sẽ hoàn thành các mốc chỉ tiêu về tăng trưởng và lợi nhuận. Các công ty chứng khoán xây dựng kịch bản tăng trưởng dựa trên mốc thanh khoản bình quân của thị trường là 15 ngàn tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, thanh khoản trong 2021 đã vượt xa mốc này: bình quân trong quý 3 là 21,565 tỷ/phiên và từ đầu 2021 là 19,802 tỷ/phiên lần lượt tăng 43.7% và 32% so với dự kiến.

Diễn biến của cổ phiếu CTCK so với đầu năm 2021

Kết quả kinh doanh có triển vọng tốt, cổ phiếu tăng giá là lẽ thường nhưng thị trường hẳn đang hưng phấn thái quá. Một số CTCK có kết quả kinh doanh “èo uột” trong nhiều năm hay vẫn còn những vướng mắc ở hoạt động kinh doanh nhưng cổ phiếu vẫn tăng bằng lần. Có thể kể ra những cái tên như Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG), Chứng khoán DSC. So với đầu năm 2021, thị giá của SBS gấp 3.4 lần, VIG gấp 4 lần, DSC gấp 2.5 lần và con số sẽ còn “khủng” hơn nếu so với đầu năm 2020.

Tới cuối quý 3, Chứng khoán SBS vẫn còn gánh khoản lỗ lũy kế hơn 1,300 tỷ đồng. Khoản lỗ này trở thành vật cản lớn cho hoạt động kinh doanh của SBS. Vấn đề lớn nhất của SBS vẫn là công tác tái cấu trúc hoạt động do tình trạng lỗ lũy kế tồn đọng từ năm 2012 trở về trước.

SBS với khoản lỗ lũy kế gần như không đổi trong nhiều năm
Đvt: Tỷ đồng

Năm 2019, do tình hình tài chính trì trệ khiến HĐQT SBS thống nhất sẽ sáp nhập với CTCP Chứng khoán HVS. Với mục đích hỗ trợ và tăng cường nguồn lực để cùng phát triển khi cả hai đều đang kinh doanh thua lỗ, tuy nhiên, thương vụ trên đã không thành công. Các tờ trình liên quan đến việc sáp nhập với HVS được rút khỏi nội dung thảo luận ngay trước thềm phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của SBS.

Khi đó, ban lãnh đạo SBS cho biết việc hợp nhất với HVS đã được tiến hành trao đổi từ tháng 11/2018, song, tới thời điểm tổ chức đại hội, SBS vẫn chưa tự tin trình bày phương án hợp nhất do hai bên chưa thống nhất được tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu và phương án tăng vốn bổ sung.

Đến năm 2021, kết quả kinh doanh của công ty có sự tăng trưởng cùng đà tăng của thị trường, song, với mức lãi 9 tháng đầu năm đạt hơn 5 tỷ đồng, việc xóa lỗ lũy kế vẫn còn là một câu chuyện dài hơi tại SBS.

Dù cổ phiếu tăng bằng lần, kết quả kinh doanh của Chứng khoán VIG lại hoàn toàn trái ngược. Thậm chí trong 9 tháng đầu năm 2021, công ty này còn báo lỗ ròng gần 3.3 tỷ đồng. Sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, Công ty chịu lỗ lũy kế gần 172 tỷ đồng thâm vào vốn chủ sở hữu. Những năm qua, VIG chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động chủ yếu đến từ mảng môi giới. Tuy nhiên, với vị thế nhỏ trong ngành, rất khó để VIG có thể cạnh tranh với các CTCK khác.

Kết quả kinh doanh của VIG từ 2017 - 9 tháng đầu năm 2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Từng là mã cổ phiếu CTCK có thị giá lớn nhất thị trường, Chứng khoán DSC lại không có thể hiện nổi bật trong những năm gần đây. Cùng với đà giảm của cổ phiếu trong giai đoạn 2018 - 2019, kết quả kinh doanh của DSC cũng sụt giảm mạnh. Năm 2019, Công ty báo lỗ ròng 116 triệu đồng; năm 2020, lãi ròng gần 500 triệu đồng.

Năm 2021, Công ty có sự biến động lớn về chủ sở hữu đồng thời tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng, song, kết quả kinh doanh vẫn chưa có sự cải thiện. 9 tháng đầu năm 2021, lãi ròng của Công ty chỉ ở mức 950 triệu đồng, trong đó quý 1 và quý 2 chịu lỗ.

Lãi ròng của DSC từ 2017 - 9 tháng đầu năm 2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Mới đây, Công ty xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2021, trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận giảm từ 48 tỷ đồng về còn 8 tỷ đồng, giảm hơn 83%.

Trừ những cái tên kể trên, nhóm CTCK niêm yết/đăng ký giao dịch đều thể hiện tốt trong 2 năm vừa qua. Trong tháng 10/2021, diễn biến giá cổ phiếu nhóm chứng khoán chủ yếu đi ngang và điều chỉnh giảm. Với dự báo kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3 và triển vọng quý 4 vẫn tươi sáng, Mirae Asset cho rằng định giá của nhóm chứng khoán đã quay về mức tương đối hấp dẫn, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở tỷ trọng.

Triển vọng chung của toàn nhóm là tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải tỉnh táo trước đà tăng của các cổ phiếu không có nội tại. Như huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã ví von “chỉ khi thủy triều rút thì bạn mới biết được ai đang đang bơi mà không mặc quần áo”. Khi cơn sốt của thị trường chứng khoán hạ nhiệt những cổ phiếu không nội tại sẽ sớm phải tìm về giá trị thực và nhà đầu tư tham gia ở vùng giá cao sẽ lãnh đủ.

Yến Chi

FILI