Lạm phát Hàn Quốc vượt 3% lần đầu tiên trong gần 10 năm

Lạm phát Hàn Quốc vượt 3% lần đầu tiên trong gần 10 năm

Lạm phát Hàn Quốc phá mốc 3% lần đầu tiên trong gần 10 năm vì đà tăng mạnh của giá hàng hóa và mức nền thấp của cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3.2% so với cùng kỳ, văn phòng thống kê Hàn Quốc cho biết trong ngày 02/11. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn ước tính tăng 3.3%.

Lạm phát đã ở trên mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) trong 7 tháng liên tiếp, qua đó củng cố thêm cho khả năng NHTW nâng lãi suất tại cuộc họp ngày 25/11/2021.

Các quan chức BoK đã cảnh báo về khả năng lạm phát tăng vượt 3% vì các khoản trợ cấp phí di động của Chính phủ trong tháng 10/2020 đã đẩy lạm phát xuống mức 0.1% tại thời điểm đó. Một khi hiệu ứng so với nền thấp, lạm phát có thể giảm về dưới mức 3% trong nhiều tháng tới, theo BoK.

Tuy nhiên, báo cáo ngày 02/11 có thể củng cố thêm cho quan điểm lạm phát đang tăng mạnh trên toàn cầu và có thể kéo dài chứ không phải tạm thời. Lạm phát đang tăng mạnh vì giá năng lượng tăng và sự đứt gãy chuỗi cung ứng có khả năng năng kéo dài tới năm 2022.

Justin Jimenez, Chuyên gia kinh tế châu Á tại Bloomberg, cho hay: “Ngay cả khi loại trừ tác động của gói trợ cấp của Chính phủ Hàn Quốc trong tháng 10/2020, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của NHTW trong 7 tháng liên tiếp. Điều này là do giá năng lượng tăng mạnh. Áp lực giá khổng lồ càng củng cố thêm khả năng nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11”.

Trong một tuyên bố đưa ra trong ngày 02/11, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết khi tác động từ gói trợ cấp tháng 10/2020 bị loại bỏ, lạm phát tháng 10 vẫn ngang với mức 2.5% của tháng 9.

Trong báo cáo tháng 8/2021, BoK dự báo lạm phát năm 2021 sẽ ở mức 2.1%, nhưng sau đó lại đưa ra khả năng lạm phát tăng nhanh hơn.

Trong báo cáo nghiên cứu tuần trước, các quan chức NHTW cảnh báo áp lực lạm phát cao có thể kéo dài hơn dự kiến khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thúc đẩy giá hàng hóa nội địa và việc chuyển sang “sống chung với dịch” cũng thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Lạm phát tổng thể tháng 10/2021 tăng mạnh vì đà leo dốc 10.4% của chi phí vận tải – do ảnh hưởng của giá năng lượng. Phí viễn thông cũng tăng 13.1% so với mức nền thấp của cùng kỳ, đóng góp 0.57 điểm phần trăm cho lạm phát. Các thành phần về tiện ích, thực phẩm, nhà hàng và khách sạn cũng góp phần thúc lạm phát tăng mạnh.

Lạm phát lõi của Hàn Quốc - loại trừ giá nông sản và giá dầu - ở mức 2.8% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2012.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI