Biến chủng Omicron làm triển vọng lạm phát của các NHTW trở nên mù mờ

Biến chủng Omicron làm triển vọng lạm phát của các NHTW trở nên mù mờ

Sự trỗi dậy của biến chủng Omicron gây thêm thách thức mới cho các chủ ngân hàng trung ương (NHTW) vì đe dọa tới tăng trưởng kinh tế, đồng thời gây thêm áp lực lạm phát.

Đây là phân tích ban đầu của các chuyên gia kinh tế. Họ cảnh báo rằng khả năng áp kiểm soát dịch bệnh mới có nguy cơ làm rối kế hoạch rút lại hỗ trợ tiền tệ của các NHTW, đồng thời có thể làm gia tăng sự gián đoạn chuỗi cung ứng – vốn là yếu tố tạo nên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Biến chủng Omicron xuất hiện chỉ vài tuần trước khi các NHTW lớn đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh việc rút lại sự hỗ trợ về tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có khả năng nâng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra kế hoạch giảm mua trái phiếu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đề cập tới tác động của biến chủng Omicron tới nền kinh tế trong bài phát biểu chuẩn bị sẵn cho cuộc điều trần trước Quốc hội trong ngày 30/11. Omicron gây “rủi ro suy giảm” tới thị trường việc làm và tăng trưởng, đồng thời làm gia tăng “sự bất ổn” về lạm phát, ông nói trong bài phát biểu chuẩn bị trước.

“Biến chủng này đẩy các NHTW vào thế khó xử trong việc quyết định thời điểm và mức độ nâng lãi suất”, Alex Brazier, Chiến lược gia tại Viện Đầu tư BlackRock và từng là cựu quan chức tại BoE, cho hay. “Câu hỏi đặt ra là biến chủng này sẽ làm trì hoãn quá trình tái mở cửa kinh tế bao lâu”, ông nói. “Trì hoãn sẽ làm suy giảm tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng sau đó sẽ mạnh mẽ trở lại”.

Chuỗi cung ứng

Góp phần làm rối loạn tâm trí của các nhà hoạch định chính sách là rủi ro biến chủng Omicron dẫn tới các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới ở các trung tâm sản xuất như Trung Quốc, làm gia tăng các vấn đề trong chuỗi cung ứng, đồng thời gây ra thiếu hụt lao động.

Các yếu tố này có thể thúc đẩy lạm phát – vốn có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới nhờ nhu cầu bùng nổ từ phía người tiêu dùng trong mùa mua sắm.

“Tăng trưởng sẽ bị tác động nếu các đợt phong tỏa quay trở lại và bức tranh lạm phát trở nên mù mờ hơn”, Jordan Rochester, Chiến lược gia tại Nomura International, cho hay. “Trong trung hạn, không rõ là lạm phát sẽ tăng hay giảm khi xét tới chuyện chuỗi cung ứng sẽ còn rối loạn thêm một khoảng thời gian, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn mạnh và túi tiền của hộ gia đình đã nhiều hơn so với năm 2019”.

Nỗi lo về lạm phát

Bức tranh lạm phát đã xấu hơn trong ngày 29/11, khi Đức ghi nhận giá cả tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 11/2021 và Tây Ban Nha ghi nhận lạm phát tăng nhanh nhất trong gần 30 năm.

Ngay cả trước khi biến chủng mới xuất hiện, Thống đốc NHTW Hà Lan đã đề cập tới rủi ro lạm phát khi ông tính tới những tác động tiềm tàng từ khả năng áp các biện pháp kiểm soát dịch mới.

Mặc dù các biện pháp kiểm soát dịch “chắc chắn sẽ gây tác động vừa phải tới hoạt động kinh tế, nhưng tác động tới lạm phát thực chất sẽ mù mờ hơn, vì nó cũng có liên quan tới sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng”, ông Knot – một trong những quan chức diều hâu nhất tại NHTW châu Âu – nói với Bloomberg trong tuần trước.

Dù vậy, một số lãnh đạo NHTW vẫn tỏ ra thoải mái khi đánh giá về triển vọng kinh tế với sự xuất hiện của Omicron. Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết biến chủng mới không làm thay đổi kỳ vọng của ông rằng kinh tế Nhật Bản sẽ sớm trở lại đà tăng trưởng. Trong khi đó, Thống đốc NHTW Pháp Francois Villeroy cho biết “biến chủng này có thể không thay đổi triển vọng kinh tế quá nhiều”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI