ANV: Lỗ ròng quý 3 hơn 13 tỷ đồng

ANV: Lỗ ròng quý 3 hơn 13 tỷ đồng

Thực hiện “3 tại chỗ” dường như là nỗi ám ảnh với các doanh nghiệp khi chi phí liên tục tăng cao trong khi nguồn thu hạn hẹp. Điều đó thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh quý 3 của CTCP Nam Việt (HOSEANV).

Kết quả kinh doanh quý 3/2021 của ANV. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 của ANV

Theo BCTC quý 3/2021, ANV ghi nhận doanh thu giảm 19% so với cùng kỳ, xuống còn 656 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm 95%, còn lại đến từ doanh thu bán điện năng lượng mặt trời và nguồn thu khác.

Doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra cho biết nguyên nhân giảm doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án 3 tại chỗ dẫn đến sản lượng bán giảm.

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng mạnh 73%, lên gần 66 tỷ đồng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ 3 tại chỗ phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test Covid và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại Công ty.

Kết quả, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến ANV báo lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 40 tỷ đồng.

Khép lại 9 tháng đầu năm, ANV ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ, xuống còn 2,436 tỷ đồng và lãi ròng giảm 36%, ghi nhận hơn 74 tỷ đồng.

Năm 2021, ANV đặt mục tiêu doanh thu đạt 3,900 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 250 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và tăng 4% so với kết quả năm 2020. Qua đó, Công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận 2021.

Tại thời điểm cuối tháng 9, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của ANV tăng vọt lên gần 679 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm với toàn bộ là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Trong khi đó, đầu tư tài chính dài hạn lại giảm 80%, xuống mức 29 tỷ đồng. Cụ thể, ANV không còn ghi nhận khoản đầu tư góp vốn vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) trong khi đầu năm giá gốc khoản đầu tư này hơn 123.6 tỷ đồng và trích lập dự phòng hơn 7.4 tỷ đồng.

Tổng tài sản tại thời điểm này ghi nhận gần 4,829 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 6 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 34%, xuống còn 286 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của doanh nghiệp tính đến 30/09 giảm 68 tỷ đồng, ghi nhận hơn 1,832 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 1,144 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. 

Hàng tồn kho của ANV tính đến 30/09/2021
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 của ANV

Tiên Tiên

FILI