Trung Quốc phải bán dầu dự trữ

Trung Quốc phải bán dầu dự trữ

Trung Quốc sẽ bắt đầu bán bớt dầu trong kho dự trữ chiến lược nhằm kéo giá trên thị trường xuống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và tiêu thụ lớn thứ hai thực hiện động thái này.

Cuối ngày thứ Năm tuần trước, Cục Dự trữ Ngũ cốc và Nguyên liệu Nhà nước cho biết sẽ bán bớt dầu thô từ kho dự trữ quốc gia theo từng đợt. Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ bán dầu cho các công ty lọc và hóa dầu.

"Đưa dầu thô dự trữ quốc gia ra thị trường thông qua bán đấu giá mở sẽ ổn định tốt hơn cung cầu của thị trường trong nước và đảm bảo hiệu quả an ninh năng lượng quốc gia", người đại diện của Cục cho biết trong một tuyên bố và nói thêm việc bán dầu sẽ "giảm bớt áp lực tăng giá nguyên liệu thô cho các công ty sản xuất".

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất hai tuần vào thứ Năm tuần trước sau thông báo của Trung Quốc. Dầu Brent giảm 1.6%, trong khi dầu Mỹ giảm 1.7%.

Chính phủ Trung Quốc không cho biết sẽ bán bao nhiêu dầu, nhưng việc tích trữ dầu là rất quan trọng với họ. Nước này phụ thuộc nhiều vào dầu nước ngoài để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế và đã nỗ lực trong nhiều năm để củng cố kho dự trữ dầu khẩn cấp. Trung Quốc không công bố nhiều dữ liệu về lượng dầu dự trữ nhưng vào năm 2017 cho biết họ đã thành lập 9 cơ sở dự trữ lớn trên cả nước, với tổng công suất 37.7 triệu tấn.

Nước này cũng cho biết họ muốn có 85 triệu tấn dầu trong kho dự trữ khẩn cấp vào cuối năm 2020, gần bằng số lượng mà Mỹ giữ trong kho dự trữ dầu mỏ chiến lược - đây cũng là nguồn cung cấp dầu dự phòng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đối mặt một số vấn đề đau đầu. Lạm phát tăng vọt và chỉ số giá sản xuất (PPI) leo lên mức cao nhất 13 năm vào tháng trước, do giá hàng hóa tăng. Chi phí năng lượng cũng tăng đột biến và nhu cầu cao đến mức một số tỉnh thậm chí rơi vào tình trạng thiếu điện.

Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế chi phí, lạm phát tại các nhà máy vẫn tăng cao. Chính phủ đã cảnh báo chi phí cao cho các nguyên liệu thô như năng lượng và những sản phẩm hóa dầu sẽ làm trầm trọng thêm thách thức tăng trưởng và việc làm mà các nhà sản xuất - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - phải đối mặt.

Giá cả tăng cao cũng làm phức tạp bất kỳ nỗ lực nào mà Chính phủ có thể xem xét để ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế với sự hỗ trợ nhiều hơn về tài khóa và tiền tệ. Chính sách mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng - chẳng hạn như tăng chi tiêu của Chính phủ hoặc mở rộng cung tiền - sẽ chỉ làm tăng lạm phát hơn nữa.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đã bị xáo trộn bởi các vấn đề khác như sự bùng phát của biến thể Delta và cuộc khủng hoảng vận chuyển toàn cầu.

Một cuộc khảo sát chính thức về hoạt động sản xuất vào tháng trước cho thấy tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong khi một cuộc khảo sát khác cho thấy đợt suy giảm đầu tiên kể từ tháng 04/2020. Các ngành dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, với kết quả cuộc khảo sát chính thức dành cho lĩnh vực phi sản xuất ghi nhận đợt giảm đầu tiên kể từ tháng 02/2020.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI