Muốn trở nên thuyết phục hơn hãy làm 3 điều này

Muốn trở nên thuyết phục hơn hãy làm 3 điều này

Bất kể là đàm phán lương, phỏng vấn xin việc, chia sẻ ý tưởng, hay đơn giản là nhờ giúp đỡ, chúng ta thường cho rằng hành động, đề nghị và yêu cầu của chúng ta sẽ bị từ chối hoặc bỏ qua.

Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp những lo lắng đó không đúng với thực tế. Mà hơn hết, chúng là kết quả của những khuynh hướng tâm lý khiến chúng ta không đánh giá đúng sức ảnh hưởng của chính mình.

Nghiên cứu chỉ ra rằng mọi người thường thích hợp tác và giúp đỡ hơn là từ chối. Thực tế, con người cảm thấy rất khó khi nói từ “không”, do đó nếu như đã chuẩn bị tâm lý cho khả năng bị từ chối hoặc thoái thác thì chúng ta cũng không nên tiêu cực một cách không cần thiết.

Làm sao để trở nên thuyết phục hơn

Ý của Vanessa Bohns (tác giả của bài viết) không phải là bạn sẽ luôn đạt được những gì mình muốn. Nhưng nghiên cứu cho thấy chung quy là chúng ta có sức ảnh hưởng hơn mình tưởng.

Là một nhà tâm lý học xã hội và giáo sư nghiên cứu về hành vi tổ chức, Vanessa phát hiện ra những người có khả năng thuyết phục thường làm được 3 điều mà những người khác không làm được. Và tin tốt lành là chúng ta có thể áp dụng những chiến thuật này để gia tăng khả năng khiến người khác tiếp nhận, lắng nghe và đồng ý với chúng ta.

1. Đừng lo lắng về việc nói làm sao cho hoàn hảo

Nếu bạn đang đưa ra một đề nghị, bạn ắt hẳn nghĩ rằng sếp của mình đang mổ xẻ từng từ, rồi sau đó sẽ sẵn sàng đáp trả và vặn vẹo những gì bạn nói.

Nhưng, như những gì mà các nhà nghiên cứu giao tiếp tại Đại học Texas phát hiện, mọi người đơn giản là không lắng nghe hoặc nhớ hầu hết những gì bạn nói để mà có thể phản bác.

Các nhà tâm lý học thường nói con người là “những kẻ keo kiệt nhận thức”. Chúng ta ít khi nỗ lực để có thể định hướng thế giới một cách hiệu quả, và chúng ta chỉ suy nghĩ cẩn thận những khi cảm thấy thực sự cần và đặc biệt có động lực.

Theo “lý thuyết dấu vết mờ”, được đề xướng bởi Valerie Reyna, nhà thần kinh học của Đại học Cornell, khi nhận được một thông tin nào đó, con người thường xử lý theo 2 hướng:

- Trong một vùng tại não bộ, chúng ta nhớ đúng từng chữ một những gì người khác nói.

-  Tại một vùng khác, chúng ta đồng thời xử lý và chỉ nhớ ý chính. (Đúng với tên gọi, chúng ta mã hóa thông điệp thực sự nhận được thành một “dấu vết mờ”.)

Tuy nhiên, quan trọng bạn phải lưu ý khi chúng ta mới bắt đầu mã hóa cả chi tiết lẫn ý chính của những gì nghe được, sự ghi nhớ đối với những thông tin nguyên văn sẽ phai nhòa rất nhanh, trong khi đó sự ghi nhớ đối với ý chính sẽ tồn tại lâu hơn.

Điều đó có nghĩa là sếp của bạn thường sẽ chỉ nhớ đại ý của lời đề nghị, chứ không nhớ một cách rành mạch (hoặc không) những gì bạn nói tại thời điểm đó.

2. Trực tiếp làm việc đó

Khi cố thuyết phục hay đề nghị ai đó làm điều gì, chúng ta thường nghĩ là nên bắt đầu từ đâu. Có nên gọi điện hay không? Hay là gửi email? Hay là gặp trong văn phòng của sếp? Gửi tin nhắn?

Trong số đó, email thường có vẻ là lựa chọn tốt nhất. Và nếu chúng ta nghĩ chúng ta có thể bị khước từ, thì bị từ chối bằng email sẽ đỡ ngại hơn là bị từ chối trực tiếp.

Nhưng email lại khiến cho người nhận có thời gian để từ chối khéo, do đó tại sao gặp mặt trực tiếp lại là một trong những cách hiệu quả và có thể còn là cách chưa được sử dụng đúng mực nhất mà chúng ta có thể xem xét.

3. Lấy lại sự tự tin

Khi cố khiến người khác lắng nghe những gì chúng ta nói, những nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta thường thiếu tự tin.

Hiển nhiên, thiếu tự tin không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Nó có thể giúp bạn nỗ lực hơn, có thói quen kiểm tra lại công việc, nghiên cứu kỹ càng, và cởi mở đón nhận lời khuyên. Tuy nhiên, dẫu sao thì đó cũng là một thiếu sót. Điều đó đồng nghĩa chúng ta phải cố gắng rất nhiều để được lắng nghe và sẽ dựa dẫm thái quá vào lời khuyên của người khác.

Bạn có bao giờ bỏ ra rất nhiều thời gian để soạn, điều chỉnh rồi lại điều chỉnh một email rất kỹ càng, chỉ để nhận được một câu trả lời vỏn vẹn có 2 từ sau 30 giây? Hãy nhìn nhận đó là một biểu hiện của sự thiếu tự tin. Điều đó có thể khiến bạn làm việc không hiệu quả và mất lòng tin nơi bản thân.

Nhiều nhà tâm lý học đều đồng tình rằng chúng ta có đủ điều kiện để tự tin hơn một chút trong khía cạnh này. Do đó, bất kể ấn tượng gì bạn mang đến cho người khác, hãy nhìn nhận chúng lạc quan hơn, và hãy bớt tiêu cực hơn về bất kỳ phản hồi gì bạn nghĩ là mình sẽ nhận được.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI