Giá nhôm lập đỉnh 13 năm khi nguồn cung thiếu và nhu cầu tăng

Giá nhôm lập đỉnh 13 năm khi nguồn cung thiếu và nhu cầu tăng

Giá nhôm tiếp tục nối dài chuỗi tăng ấn tượng lên cao nhất kể từ năm 2008 vì nỗi lo về nguồn cung tại Trung Quốc và Guinea.

Cuộc đảo chính tại Guinea – vốn cung cấp gần 25% bô-xít trên thế giới – làm dấy lên nỗi lo về tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu then chốt trong hoạt động sản xuất nhôm. Điều này diễn ra ngay cả khi các lãnh đạo mới của Guinea thúc giục các công ty khai khoáng tiếp tục hoạt động và trấn an họ rằng các thỏa thuận hiện tại với Chính phủ vẫn sẽ được thực hiện.

Nỗi lo về nguồn cung bô-xít diễn ra giữa lúc nguồn cung nhôm tại Trung Quốc bị siết chặt ở Trung Quốc vì chiến dịch tiết kiệm năng lượng và kiểm soát khí thải. Tuy nhiên, các mục tiêu môi trường này có thể được đánh giá lại sau khi chỉ số giá sản xuất Trung Quốc tăng mạnh 9.5% so với cùng kỳ và khiến các quan chức lo ngại về đà tăng giá nguyên vật liệu thô.

Với việc chuỗi cung ứng bị hạn chế “và có khả năng bị đứt gãy, bất kỳ rủi ro nào về nguồn cung cũng có thể khiến thị trường hoảng loạn”, Fiona Boal, Trưởng bộ phận hàng hóa tại S&P Dow Jones Indices, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. “Đây chủ yếu là câu chuyện về nguồn cung”.

Giá nhôm tăng 1.6% lên 2,837.5 USD/tấn trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME), mức cao nhất kể từ năm 2008. Tại Thượng Hải, kim loại này tăng 2.1% lên mức cao nhất kể từ năm 2006.

Giá nhôm đã tăng gần gấp đôi kể từ đáy năm 2020 khi các doanh nghiệp trên toàn cầu hoạt động trở lại và nhu cầu tiêu dùng bủng nổ. Goldman Sachs Group Inc., Citigroup Inc. và Trafigura Group dự báo giá nhôm sẽ tiếp tục tăng vì thiếu hụt nguồn cung.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh những tác động khó dự đoán, tình hình ở Guinea có thể dẫn đến tác động về kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có tình trạng đầu cơ khiến giá nhôm tăng vọt.

Giá nhôm, nguyên liệu vốn được sử dụng rộng rãi trong ngành vận chuyển và đóng gói, tăng cao do nhu cầu tăng mạnh, nguồn cung thu hẹp và chi phí vận chuyển tăng cao.

Theo công ty tư vấn Aladdiny (Trung Quốc), Quảng Tây - trung tâm sản xuất nhôm của Trung Quốc, đã đi trước với yêu cầu các nhà máy luyện kim phải giữ sản lượng tháng 9 tối đa 80% mức trung bình hàng tháng trong nửa đầu năm 2021.

Nhà phân tích Nitesh Shah của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quản lý tài sản WisdomTree, có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận định nếu Trung Quốc thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường và khử carbon, sản lượng nhôm sẽ giảm.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI