Dow Jones và S&P 500 tăng nhẹ

Dow Jones và S&P 500 tăng nhẹ

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng nhẹ vào ngày thứ Tư (29/9), tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ vẫn gặp khó khăn khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm biến động.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones cộng 90.73 điểm (tương đương 0.26%) lên 34,390.72 điểm và chỉ số S&P 500 tiến 0.16% lên 4,359.46 điểm. Trong khi, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0.24% còn 14,512.44 điểm. Các động thái này diễn ra sau khi Nasdaq Composite ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2021 vào ngày 28/9 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng vọt.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm suy giảm vào sáng ngày thứ Tư xuống dưới mốc 1.5%, nhưng phục hồi về mức 1.54% trong phiên giao dịch buổi chiều. Có lúc lợi suất trái phiếu này đã tăng tới 1.56%.

Trong phiên giao dịch trước, lãi suất đã chạm mức cao 1.567%, mức cao nhất trong nhiều tuần này đã gây áp lực lên các cổ phiếu tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong ngày 28/9, đã gặp khó khăn để duy trì đà phục hồi vào ngày thứ Tư. Cổ phiếu Apple tiến 0.6% và cổ phiếu Netflix tăng 2.6%, trong khi cổ phiếu Amazon và Alphabet đều giảm. Nasdaq Composite dẫn đầu thị trường khi mở cửa, tuy nhiên đã giảm so với các chỉ số khác khi tiếp tục vào phiên và lợi suất trái phiếu phục hồi.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu phòng thủ hoạt động tốt, khi lĩnh vực tiện ích nhảy vọt. Ngoài ra, cổ phiếu Boeing vọt 3.1% và trở thành cổ phiếu có thành quả tốt nhất thuộc Dow Jones. Lĩnh vực năng lượng tiếp tục tăng ngay cả khi giá khí thiên nhiên giảm mạnh.

Cổ phiếu của các công ty sản xuất chất bán dẫn suy giảm sau khi Micron đưa ra triển vọng doanh thu và lợi nhuận cho quý 1/2022 không đạt như ước tính, khiến cổ phiếu này mất 2%. Cổ phiếu Nvidia và Advanced Micro Devices cũng chìm trong sắc đỏ.

Về mặt tích cực, cổ phiếu nhà bán lẻ chiết khấu Dollar Tre leo dốc 16.4%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất thuộc S&P 500, sau khi công ty thông báo đang tăng lượng mua lại cổ phiếu và thử nghiệm giá cao hơn ở một số địa điểm.

Những vấn đề của các nhà sản xuất con chip và việc các nhà bán lẻ nâng giá bán xuất hiện trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về chuỗi cung ứng, vốn đã chứng kiến sự gián đoạn liên tục vì đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết tại một sự kiện của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Tư rằng: “Thật thất vọng khi thấy các điểm nghẽn sản xuất và các vấn đề về chuỗi cung ứng không trở nên tốt hơn, trên thực tế, lợi nhuận biên dường như đang trở nên xấu đi một chút. Chúng tôi nhận thấy điều này có thể tiếp tục diễn ra trong năm tới, và duy trì lạm phát kéo dài hơn chúng tôi đã nghĩ”.

Nhà đầu tư cũng đang theo dõi các cuộc tranh luận về mức trần nợ và chi tiêu Chính phủ ở Washington. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng Quốc hội Mỹ có thời hạn đến 18/10 để nâng hoặc gia hạn trần nợ và nếu không làm được điều đó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase cho biết ngân hàng đang chuẩn bị cho khả năng nước Mỹ chạm giới hạn nợ.

An Trần (Theo CNBC)

FILI