Dow Jones rớt 500 điểm, Nasdaq giảm gần 3% khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo

Dow Jones rớt 500 điểm, Nasdaq giảm gần 3% khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo

Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày 28/09, giữa lúc các cổ phiếu công nghệ lớn bị bán tháo. Điều này diễn ra ngay khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt.

Tính tới lúc 22h30 (giờ Việt Nam), Nasdaq Composite giảm 2.7%, S&P 500 sụt gần 2%, còn Dow Jones mất 513 điểm (tương đương 1.5%).

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên 1.558% khi nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ thực hiện giảm nhịp độ mua trái phiếu khi lạm phát tăng vọt. Trước đó, tại cuộc họp chính sách tháng 9, Fed báo hiệu sẽ sớm siết mua trái phiếu. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lúc giảm xuống 1.29%.

“Fed đang thay đổi quan điểm và do đó, nhà đầu tư cũng điều chỉnh lại vị thế”, Kathy Jones, Trưởng bộ phận chiến lược trái phiếu tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab, cho biết.

Nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh khi lợi suất tăng khiến dòng tiền tương lai của các công ty này bị giảm giá trị và khiến nhóm cổ phiếu công nghệ trông có vẻ cao quá mức. Lãi suất cao hơn cũng hạn chế khả năng vay nợ để tài trợ cho tăng trưởng của các công ty công nghệ.

Cổ phiếu Facebook và Alphabet mất hơn 3%, còn Amazon rớt 2.9% và Nvidia sụt 4%.

 

Cũng gây áp lực lên tâm lý thị trường là cuộc khủng hoảng ngân sách ở Washington. Các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã chặn một dự luật được Hạ viện thông qua vào ngày 27/9 rằng sẽ tài trợ cho Chính phủ đến tháng 12 và gia hạn trần nợ cho đến tháng 12/2022.

Quốc hội Mỹ phải thông qua tài trợ chính phủ vào ngày thứ Sáu (01/10) để tránh việc đóng cửa, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Quốc hội trong một bức thư vào ngày thứ Ba rằng các nhà lập pháp cần nâng giới hạn nợ trước ngày 18/10 để tránh việc Chính phủ vỡ nợ. Kế hoạch chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đối mặt với tương lai bất định.

Trong khi các cổ phiếu công nghệ kéo thị trường chung tụt dốc, các lĩnh vực gắn liền với việc tái mở cửa kinh tế có thành quả tốt hơn và nhóm cổ phiếu năng lượng tăng nhẹ. Cổ phiếu Ford tăng 1% sau khi thông báo kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở Mỹ.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đóng cửa gần mức đáy trong phiên khi đà sụt giảm của cổ phiếu công nghệ lớn dường như đánh bại các giao dịch theo kỳ vọng lạm phát (reflation trade).

 

Chủ tịch Fed: Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lạm phát cao kéo dài

Trong bài phát biểu chuẩn bị trước cho cuộc điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Fed Jerome Powell lên tiếng cảnh báo các nguyên nhân gây ra lạm phát cao có thể tồn tại lâu hơn dự báo.

Cụ thể, ông Powell cho biết tăng trưởng kinh tế “tiếp tục được củng cố”, nhưng nền kinh tế phải đối mặt với áp lực giá ngày càng tăng vì sự đứt gãy chuỗi cung ứng và các yếu tố khác.

“Lạm phát vẫn ở mức cao và có khả năng tiếp diễn trong vài tháng tới trước khi giảm trở lại”, ông Powell cho biết. “Khi nền kinh tế tiếp tục tái mở cửa và chi tiêu phục hồi, chúng tôi nhận thấy áp lực giá ngày càng tăng, nhất là vì đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số lĩnh vực. Những tác động này mạnh hơn và kéo dài lâu hơn dự báo, nhưng chúng rồi sẽ thuyên giảm và lạm phát sẽ trở về mục tiêu dài hạn 2%”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI