Lựa chọn nào cho chính sách tiền tệ?

Lựa chọn nào cho chính sách tiền tệ?

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 4 đến nay, sẽ cần có thêm những biện pháp kích thích kinh tế, trong đó chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng là điều cần thiết. Nhưng liệu nhà điều hành còn có những lựa chọn nào để nới lỏng thêm?

Lãi suất đã chạm ngưỡng?

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 3 lần liên tục điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn, diễn ra vào các thời điểm 17/03/2020, 13/05/2020 và 01/10/2020, với tổng mức giảm khoảng 1.5-2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0.6-1.0%/năm trần lãi suất tiền gửi VNĐ các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1.5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, lãi suất điều hành tại Việt Nam đã rớt về mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống chỉ còn 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống còn 2.5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng giảm từ 7%/năm xuống mức 5%/năm, trong khi lãi suất chào mua giấy tờ có giá (GTCG) trên thị trường mở cũng có đến 3 lần giảm từ mức 4%/năm xuống còn 2.5%/năm.

Khóa học Online

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NÂNG CAO

 💡 Khai giảng: 16/8/2021

 💡 Ưu đãi lên đến: 50%++          

Hotline: 0908 16 98 98

👉 ĐĂNG KÝ NGAY

Đây là một trong những chính sách quan trọng giúp các ngân hàng giảm mạnh chi phí vốn đầu vào, tạo điều kiện cho các đợt giảm lãi suất cho vay dần được thực hiện trong hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, việc giảm thêm lãi suất đầu vào hiện nay khó tiếp tục, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang quay trở lại và thanh khoản của hệ thống cũng không còn như giai đoạn trước. Thống kê cho thấy tăng trưởng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3.13%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là 5.47%.

Thực tế thì trần lãi suất tiền gửi đã không thể giảm thêm kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, trong khi nhiều ngân hàng đã bắt đầu có hàng loạt động thái điều chỉnh tăng khung lãi suất tiền gửi trong 3 tháng qua. Trong khi đó, lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng sau đợt bật tăng cuối tháng 4 vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao suốt từ đó đến nay.

Giới hạn công cụ

Về cơ bản, chính sách tiền tệ ngoài công cụ lãi suất còn có 5 công cụ quan trọng khác là hạn mức tín dụng, nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn của NHNN, tỷ giá hối đoái và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB).

Đáng lưu ý là mới đây, NHNN cũng đã điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho những ngân hàng đáp ứng được điều kiện, như VPBank được tăng hạn mức tín dụng từ 8.5% lên 12.1%, MBBank tăng từ 10.5% lên 15%, Vietcombank tăng từ 10 lên 14%,… Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay lại nằm ở cầu vay vốn chứ không phải ở cung vốn, vì dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức và không còn dám mở rộng đầu tư sản xuất.

Cũng cần nhắc lại rằng trong năm nay, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7-8%, và đây là kịch bản đang có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở hay tái cấp vốn của NHNN cũng có những hạn chế nhất định, do giải pháp này chỉ mang tính thời điểm và cũng chỉ có những tác động khiêm tốn và riêng biệt lên một số ít nhà băng cụ thể. Thực tế, dù lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu đã giảm về mức thấp, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn này dễ dàng.

Đối với công cụ tỷ giá hối đoái, NHNN đã sử dụng công cụ này khá linh hoạt và hiệu quả trong những năm gần đây, thông qua việc mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối và bơm lượng lớn tiền đồng, giúp gia tăng lượng cung tiền cho hệ thống, góp phần kéo lãi suất tiền đồng xuống nhưng vẫn đảm bảo tỷ giá ổn định.

Trong nửa đầu năm nay, NHNN cũng chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng thay vì các hợp đồng giao ngay, do lo ngại về những đánh giá can thiệp tiền tệ một chiều sẽ dẫn đến cáo buộc thao túng tiền tệ từ Bộ Tài Chính Mỹ. Với việc Việt Nam và Mỹ cuối tháng 7 vừa qua đạt thỏa thuận về hoạt động tiền tệ của Việt Nam, việc giữ ổn định tỷ giá và hạn chế can thiệp mua ngoại tệ một chiều sẽ tiếp tục là mục tiêu cần lưu ý.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Như vậy, chỉ còn lại công cụ dự trữ bắt buộc (DTBB) là giải pháp có thể cân nhắc cho giai đoạn tới. Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ DTBB của tiền đồng hiện là 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, 1% đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tỷ lệ DTBB ngoại tệ là 8% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng và 6% đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Đáng lưu ý là tỷ lệ này được giữ yên hơn 12 năm qua, từ ngày 01/03/2009 đến nay. Lần gần đây nhất, giải pháp DTBB có sự can thiệp là tháng 12/2019, nhưng chỉ áp dụng cho một vài TCTD theo thông tư 30/2019/TT-NHNN, theo đó chỉ cho phép những TCTD đang kiểm soát đặc biệt không phải thực hiện DTBB, đồng thời giảm 50% tỷ lệ DTBB cho các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống. Ngoài ra, trước đó, NHNN cũng có giảm 0.4% lãi suất tiền gửi DTBB.

Như vậy, thực tế là hầu hết ngân hàng hiện vẫn bị áp theo quy định tỷ lệ DTBB tương ứng là 3% và 1% đối với VNĐ. Tỷ lệ này không cao, do đó, việc giảm thêm không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các công cụ tiền tệ bị hạn chế như hiện nay, không loại trừ khả năng chính sách giảm tỷ lệ DTBB có thể được triển khai như là cách hỗ trợ tâm lý cho thị trường, cũng như tưởng thưởng cho các ngân hàng đã đồng hành giảm mạnh lãi suất cho vay mới đây. Mức giảm trước mắt có thể xem xét từ 0.25-0.5%.

Cũng cần biết rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc dù gần đây có động thái thắt chặt chính sách trở lại vì lo ngại bong bóng tài sản và rủi ro lạm phát, nhưng cách đây 1 tháng vào ngày 09/07, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ (RRR) 50 điểm cơ bản đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/07 nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 15 tháng qua.

PBoC cũng cho biết việc cắt giảm RRR sẽ được áp dụng với tất cả tổ chức tài chính, trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Quyết định này có khả năng giải phóng 1,000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 154 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn. Việc giảm số tiền bắt buộc đó sẽ làm tăng cung tiền mà các ngân hàng có thể cho các doanh nghiệp và cá nhân vay.

Trong bối cảnh các công cụ tiền tệ bị hạn chế như hiện nay, không loại trừ khả năng chính sách giảm tỷ lệ DTBB có thể được triển khai như là cách hỗ trợ tâm lý cho thị trường, cũng như tưởng thưởng cho các ngân hàng đã đồng hành giảm mạnh lãi suất cho vay mới đây.

Nhung Võ

FILI