Góc nhìn 20/08: Tiếp tục hồi phục?

Bài cập nhật

Góc nhìn 20/08: Tiếp tục hồi phục?

Theo KBSV, với việc bảo vệ thành công vùng hỗ trợ 1,350-1,355 và lấy lại xung lực tăng điểm, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng hồi phục và một lần nữa có cơ hội thử thách vùng kháng cự then chốt quanh 1,390. Tuy nhiên, rủi ro đảo chiều vẫn cần được tính đến trong trường hợp chỉ số tiếp tục đi lên nhưng thanh khoản sụt giảm.

Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục thu hút dòng tiền trong ngắn hạn

CTCK Yuanta Việt Nam: Các chỉ số biến động mạnh trong phiên đáo hạn HĐTL tháng 8. Chỉ số VNI-Index đảo chiều tăng về cuối phiên với mức tăng 1.02% dừng tại 1,374.85 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0.36% neo tại 346.07 điểm; Chỉ số Upcom-Index tăng 0.24% dừng tại 94.71 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 27,789 tỷ đồng.

Nhóm vốn hoá lớn ghi nhận diễn biến hồi phục mạnh và ảnh hưởng tích cực tới đà tăng của chỉ số sàn HOSE với VIC (+6.2%), GVR (+3.3%), MSN (+1.3%), SSI (+4.2%)…tăng giá. Ở chiều ngược lại, chỉ mỗi GAS (-1.8%), TPB (-1.5%) là 2 bluechips ảnh có mức giảm trên 1% trong VN30-Index.

VHM (+0.9%) ghi nhận phiên hồi phục sau chuỗi 3 phiên giảm điểm liên tiếp đóng cửa tại 111,000 đồng/cp.

Khối ngoại bán ròng hơn 452 tỷ đồng toàn thị trường tập trung tại SSI (625 tỷ), NVL (110 tỷ), VIC (74 tỷ). Ở chiều ngược lại, họ mua ròng mạnh tại VHM (236 tỷ), PVI (174 tỷ), VND (71 tỷ).

Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1,374 điểm trong phiên kế tiếp và nếu đà tăng tiếp tục duy trì thì chỉ số VN-Index có thể sẽ nhanh chóng hướng về mức 1,420 điểm. Đồng thời, dòng tiền tiếp tục gia tăng vào thị trường, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể tiếp tục thu hút dòng tiền trong ngắn hạn.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh trong vùng lạc quan quá mức cho thấy chiến lược ngắn hạn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nhưng cần hạn chế mua đuổi vào các cổ phiếu đã có mức tăng nóng hoặc dư địa tăng giá của cổ phiếu đó không còn nhiều khi sức mạnh giá của các cổ phiếu đạt trên 98 điểm.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.

VN-Index có thể rung lắc trong vùng kháng cự 1,370-1,380 điểm

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường hồi phục sau hai phiên điều chỉnh liên tiếp với thanh khoản tiếp tục cao hơn mức trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,91 điểm (+1,02%) lên 1,374.85 điểm; HNX-Index tăng 1.25 điểm (+0.36%) lên 346.07 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn xấp xỉ so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với 860 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 25,656 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tích cực với 399 mã tăng, 100 mã tham chiếu, 237 mã giảm.

Thị trường giao dịch với sắc đỏ trong phần lớn thời gian phiên 19/8, nhưng lực cầu xuất hiện về cuối phiên giúp chỉ số VN-IndexVN30 lấy lại sắc xanh và kết phiên ở mức cao nhất. Nhiều cổ phiếu lớn như BVH (+0.5%), FPT (+0.5%), HPG (+1%), MSN (+1.3%), VIC (+6.3%), VNM (+0.3%), SAB (+1.4%), VHM (+0.9%), VRE (+0.5%), BCM (+1.1%)… đồng thuận tăng mạnh trong những phút cuối phiên. Trong đó, VIC (+6.2%) lên 104.000 đồng là cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường, với 5.549 điểm đóng góp vào VN-Index.

Các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán cũng thu hút dòng tiền khá tốt với nhiều mã tăng mạnh như AGR (+6.3%), APS (+5%), CTS (+7%), HCM (+0.9%), MBS (+1.9%), PSI (+9.7%), VDS (+3.1%), VND (+1.5%)…. Trong đó nhiều mã tăng kịch trần như PSI (+9.7%), VIX (+6.8%), WSS (+10%), CTS (+7%), DSC (+15.6%). Bên cạnh nhóm chứng khoán, dòng tiền cũng hướng tới các cổ phiếu bất động sản, xây dựng giúp nhiều mã tăng như CTD (+0.7%), CII (+2.8%), DIG (+2.4%), FCN (+3.7%), HBC (+2.6%), NBB (+6.9%), NDN (+2.6%), SCR (+0.5%), PC1 (+2%)… Nhóm thép cũng giao dịch tích cực với HPG (+1%), HSG (+1.4%), POM (+2.1%), VGS (+10%), TLH (+2%)…

VN-Index (+1.02%) hồi phục khá tốt trong phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 8/2021 nhờ lực cầu gia tăng mạnh về cuối phiên. Đây là một diễn biến không bất ngờ và đã diễn ra trong những lần đáo hạn trước đó. Và tuy tăng điểm trong phiên 19/8 nhưng VN-Index vẫn chưa thể đóng cửa trên vùng kháng cự 1,370-1,380 điểm nên kịch bản nối dài sóng hồi phục b lên vùng 1,400-1,425 điểm (đỉnh tháng 7/2021) chưa được kích hoạt. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ đồng trên hai sàn tiếp tục là một điểm tiêu cực. Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 20/8, VN-Index có thể rung lắc trong vùng kháng cự trong khoảng 1,370-1,380 điểm. Nhà đầu tư đã chốt lời dần danh mục trong tuần trước nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong tuần này, chưa nên mua thêm ở vùng giá hiện tại.

Nhịp tăng có thể được duy trì trong một vài phiên tới

CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS): VN-Index mở cửa trong sắc đỏ với tâm lý khá thận trọng của nhà đầu tư nói chung sau khi các chỉ số chứng khoán Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh đêm 18/8. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường như VIC, MSN BID,… duy trì sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Phe bán chiếm ưu thế trong phiên sáng và đặc biệt là sau thời điểm 10h30 sáng khiến cho đà giảm của chỉ số tăng tốc đôi chút, tuy nhiên dòng tiền bắt đáy tại vùng giá thấp xuất hiện khiến cho đà giảm thu hẹp và thậm chí đã có thời điểm VN-Index tìm lại được sắc xanh trong phiên chiều.

Đáng chú ý là trong khoảng 15 phút cuối phiên chiều 19/8 thì chỉ số bất ngờ tăng khá mạnh và vượt 1,370 điểm nhờ lực cầu lớn ở một số cổ phiếu trụ như VCB, VIC,... Thanh khoản thị trường phiên 19/8 đạt khoảng trên 30,000 tỷ VND tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 13.91 điểm (+1.02%) và đạt mức 1,374.85 – cũng là mức giá cao nhất trong phiên, trong khi đó HNX Index chốt phiên tại mức 346.07 (+0.36%).

Chỉ số VN-Index tăng đột biến trong phiên 19/8 dù chưa đủ để khẳng định về một xu hướng tăng ngắn hạn trong những phiên tới, nhưng việc thanh khoản vẫn đang khá dồi dào cho thấy dòng tiền vẫn chưa thoát ra khỏi thị trường và nhịp giảm trong những phiên trước phần nhiều là điều chỉnh kỹ thuật khi chỉ số chung chạm ngưỡng kháng cự 1,380 điểm. Dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng chưa tiến vào vùng quá mua cho thấy nhịp tăng có thể được duy trì trong một vài phiên tới.

Nhà đầu tư có thể giải ngân theo xu hướng tăng hiện tại trên thị trường chung với tỷ trọng vừa phải, ưu tiên nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và những cổ phiếu vốn hóa trung bình vẫn còn đang giao dịch ở các mức giá chiết khấu và có triển vọng kinh doanh tích cực trong nửa cuối năm 2021 thuộc một số nhóm ngành như thủy sản, dệt may, cảng biển,...

Thị trường có thể giảm nhẹ trước khi quay lại xu hướng tăng điểm

CTCK Agribank ( Agriseco): VN-Index bất ngờ tăng mạnh vào phiên ATC, nhờ lực cầu lớn dồn vào các mã trụ cột. Đây là điều thường thấy khi tại những phiên đáo hạn phái sinh thường xuất hiện lực cung/cầu đột biến và có thể làm thay đổi xu hướng thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể cả phiên, dòng tiền vào vẫn tập trung vào nhóm chứng khoán, xây dựng, bất động sản, hoá chất, mía đường. Agriseco đánh giá đây là những ngành đang được hưởng lợi từ (1) Sự gia tăng thanh khoản thị trường; (2) Kỳ vọng đầu tư công được tháo gỡ tắc nghẽn và (3) Giá hàng hoá (photpho, đường) thế giới đang tăng mạnh. Khối ngoại thu hẹp đà bán ròng so với phiên 18/8 và đạt 750 tỷ đồng. Hiện tượng phiên ATC tăng mạnh có thể sẽ khiến thị trường cần 1 nhịp điều chỉnh nhẹ vào phiên 20/8, trước khi quay lại xu thế tăng điểm hướng tới vùng 1,400 điểm trong các phiên tới.

Góc nhìn kỹ thuật: Đồ thị ngày của VN-Index hình thành mẫu nến Bullish Engulfing, kết hợp với thanh khoản thị trường ở mức khá, cho thấy tâm lý tích cực trở lại của NĐT sau những nhịp điều chỉnh vừa qua. Chỉ báo kỹ thuật cho thấy (1) RSI 14 phiên quanh mốc 62, dưới vùng quá mua; (2) Stochastic trong kênh cắt lên, do vậy tín hiệu ngắn hạn của chỉ số được dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm.

Không mua đuổi trong những nhịp hồi kỹ thuật 

CTCK Ngân hàng DongA: Các cổ phiếu trụ vẫn nằm trong danh sách bán ròng kéo dài nhiều phiên của nhà đầu tư nước ngoài, gây áp lực lên chỉ số VN-Index. Tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng lo ngại  trước những ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh lên tình hình kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết, hoạt động chốt lời diễn ra khi thị trường có nhịp hồi trong phiên giao dịch. Do đó nhà đầu tư nên thận trọng không mua đuổi giá trong những nhịp hồi kỹ thuật, tiếp tục chốt lời các vị thế ngắn hạn và giữ sức mua để giải ngân khi thị trường ổn định hơn. VN-Index đang có hỗ trợ ngắn hạn ở vùng 1,320 điểm. Đối với nhà đầu tư theo chiến lược trung và dài hạn vẫ có thể nắm giữ nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ nhữn chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch và nhóm cổ phiếu liên quan chính sách đầu tư công.

Nhà đầu tư nên thận trọng, không mua đuổi giá trong những nhịp hồi kỹ thuật, giữ sức mua để giải ngân khi thị trường cân bằng hơn.

Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp

CTCK Asean (Aseansc): Trong phiên giao dịch 19/08, mặc dù vẫn chịu áp lực chốt lời ở đầu phiên, tuy nhiên sau đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đồng thuận hồi phục, giúp chỉ số VN-Index đảo chiều tăng gần 14 điểm về cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 13.91 điểm (tăng 1.02%), đóng cửa ở mức 1,374.85. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 728 triệu cp (tăng 6%), giá trị hơn 25,500 tỷ đồng (tăng 5%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (218 mã tăng/ 161 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng gần 750 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào SSI, và NVL.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh vừa dạng ‘Hammer’ với giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn MA3 ngày, MA5 ngày, và MA10 ngày, là tín hiệu khá tích cực. Trong đó, đường MA10 ngày vẫn đang hỗ trợ khá tốt cho VN-Index từ cuối tháng 7 đến nay.

Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1,375-1,380 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,385-1,390 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1,365-1,370 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,355-1,360 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.

Phiên giao dịch ngày 19/08 diễn ra khá bất ngờ với sự bứt phá mạnh của thị trường về cuối phiên dù các chỉ số chứng khoán khu vực giảm khá sâu. Aseansc cho rằng phiên tăng điểm này chưa thật sự thuyết phục do có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động đáo hạn phái sinh tháng 8. Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 20/08 tới, áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,365-1,370 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,355-1,360 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Tín hiệu tích cực

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index giằng co trong gần hết phiên giao dịch nhưng bật tăng mạnh vào cuối phiên 19/08. Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường khi có 14/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn đến từ nhóm cổ phiếu Bất động sản và Hoá chất. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản không đổi so với phiên trước. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của HĐTL tháng 8, thị trường vượt ngưỡng 1,370 điểm với mức thanh khoản cao cho thấy tín hiệu giao dịch tích cực trong giai đoạn tới kể từ 20/08.

Trạng trái đánh giá ngắn hạn tiếp tục duy trì ở mức trung tính

CTCK Mirae Asset: Với diễn biến tăng điểm mạnh vào cuối phiên 19/08 khi lực cầu vào nhóm cổ phiếu VN30, đã giúp cho VN-Index quay đầu tăng điểm một cách ngoạn mục. Chỉ số này đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, với mức tăng gần 14 điểm, đóng cửa ở mốc 1,374 điểm và kết thúc chuỗi giảm điểm 2 phiên liên tục trước đó.

Dòng tiền lan tỏa đều khắp các nhóm cổ phiểu. Tuy nhiên, nổi trội nhất phải kể đến VIC, khi nhận mức tăng hơn 6%, tác động làm tăng VN-Index đến hơn 5.5 điểm. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, và vật liệu xây dựng đều ghi nhận mức tăng tích cực trong phiên.

Diễn biến tăng điểm tích cực đã giúp điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index được cải thiện từ mức +2 điểm lên mức +3 điểm, nhưng trạng trái đánh giá ngắn hạn tiếp tục duy trì ở mức trung tính.

Tạm đóng các vị thế ngắn hạn

CTCK KB Việt Nam (KBSV):  Với việc bảo vệ thành công vùng hỗ trợ 1,350-1,355 và lấy lại xung lực tăng điểm, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng hồi phục và một lần nữa có cơ hội thử thách vùng kháng cự then chốt quanh 1,390. Tuy nhiên, rủi ro đảo chiều vẫn cần được tính đến trong trường hợp chỉ số tiếp tục đi lên nhưng thanh khoản sụt giảm. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ trạng thái trung hạn tương ứng với khả năng vượt đỉnh thành công, tạm đóng các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục khi chỉ số tiếp cận vùng cản đã đề cập.

Cơ hội kiểm định ngưỡng kháng cự 1,382 điểm

CTCK MB (MBS): Thị trường chứng khoán trong nước ngược dòng đầy ngoạn mục trong phiên đáo hạn phái sinh dù thanh khoản vẫn trong chiều giảm so với các phiên kể từ đầu tuần.

Đà phục hồi rất ấn tượng ở phiên ATC dù phần lớn thời gian giao dịch chỉ số VN-Index nằm dưới tham chiếu. Bên cạnh đó, đà tăng của thị trường còn diễn ra trong bối cảnh các thị trường trên thế giới giảm mạnh sau biên bản họp tháng 7 của Fed và mối lo về sự lây lan của biến chủng Delta. Với phiên tăng mạnh 19/08, các chỉ số kỹ thuật tiếp tục củng cố xu hướng tăng điểm của thị trường, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ có cơ hội kiểm định ngưỡng kháng cự 1,382 điểm trong phiên 20/08 tới. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, thép, cảng biển… hay nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là địa chỉ của dòng tiền.

Minh Hồng

FILI