Giảm lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng

Giảm lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng

Việc giảm lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng khi các ngân hàng còn phải đối mặt với khó khăn trong việc dự phòng cho phần nợ xấu, và nhất là phải đảm bảo tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Chênh lệch lãi suất lớn giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Trong 4-5 năm gần đây, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là phù hợp trong việc thực hiện mục tiêu kép về kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại NHNN cần có những điều chỉnh đồng bộ hơn trong chính sách tiền tệ.

Lãi suất cho vay ở trên TT1 (Thị trường cho vay người dân, doanh nghiệp) của Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới nhưng lãi suất TT2 (Thị trường liên ngân hàng) lại rất thấp, cụ thể: Mặc dù TT2 lãi suất rất thấp tầm 1-2%, lãi suất tái chiết khấu chỉ có 4%, nhưng vay trung hạn cho doanh nghiệp lãi suất vẫn loanh quanh đâu đó tầm 9%. Để so sánh tương đương thì lãi suất liên ngân hàng tại Trung Quốc tầm 2-3%, nhưng LPR (Loan Prime Rate) nền lãi suất TT1 (Thị trường cho vay người dân, doanh nghiệp) của họ chỉ tầm 4%, tức chênh lệch giữa TT1 và TT2 chỉ khoảng 2% còn chênh lệch TT1 và TT2 của Việt Nam lên tới 7%. Như vậy, có thể xem thị trường hiện đang thừa rất nhiều tiền, nhưng chi phí vay của doanh nghiệp vẫn cao, chi phí vốn rẻ nhưng lại chưa giúp được nhiều cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sẵn sàng vay trung dài hạn USD với lãi suất cao LIBOR3M+3-4% tương đương vay VND với lãi suất 6%, Trong khi trái phiếu hạng BB trên thị trường quốc tế chỉ ở mức LIBOR3M +2%, tương đương vay VND lãi suất 4%, còn trái phiếu hạng CCC (hạng sắp vỡ nợ) là LIBOR3M+6-7%, nếu tính tương đương thì sẽ là vay VND lãi suất 8-9%, một lãi suất tương đương cho doanh nghiệp đang hoạt động ổn định tại Việt Nam.

Tóm lại những doanh nghiêp Việt Nam đang phải chịu một chi phí tài chính không mấy hợp lý. Chênh lệch TT1 và TT2 quá lớn, điều này chỉ làm nặng thêm cho nền kinh tế và cho thấy sự kém hiệu quả trong khâu dẫn vốn.

Tuy nhiên giảm lãi suất cho vay lại không phải điều dễ dàng

Có 2 nguyên nhân có thể dẫn tới việc ngân hàng vẫn thận trọng trong chính sách:

Cái khó đầu tiên của ngân hàng chính là phải dự phòng cho phần nợ xấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 vừa mới được NHNN ban hành trong 2 năm qua, điều này chắc chắn tác động tới lợi nhuận của ngành ngân hàng trong các năm 2021 và 2022 tất nhiên cả các năm về sau. Mặc dù có những thận trọng nhất định trong chính sách dự phòng của một vài ngân hàng, nhưng việc thiếu chắc chắn về nợ xấu vẫn là điều làm ngân hàng khó hạ lãi suất. Do đó, duy trì biên lợi nhuận cao cũng là một phần lớn do chi phí tín dụng những năm sắp tới sau khi đại dịch qua đi.

Thứ 2, quan trọng hơn cho câu chuyện hạ lãi suất này NHNN nên đánh giá mức độ phù hợp của các tỷ lệ hiện tại mà NHNN đang áp dụng. Điều quan trọng nhất trong các tỷ lệ này là Tỷ lệ NVNHCVTDH (Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn). Tỷ lệ này ràng buộc các ngân hàng lấy nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 40% và không giảm, chỉ hoãn lộ trình thu hẹp tỷ lệ. Hãy suy nghĩ đơn giản, nếu ngân hàng huy động nguồn vốn dưới 1 năm thì chỉ 40% trong số tiền này ngân hàng có thể cho vay trên 1 năm còn 60% phải cho vay ngắn hạn dưới 1 năm. Trong khi lãi suất huy động hạ, các nguồn huy động của ngân hàng sẽ chuyển sang xu hướng ngắn hạn, tuy nhiên, với việc giới hạn tỷ lệ như vậy, NHNN gián tiếp để ngân hàng phải huy động dài hạn với chi phí cao hơn trong điều kiện hiện tại,

Ngân hàng Nhà nước cần đồng bộ giải pháp

Tóm lại, để ngân hàng hạ lãi suất, NHNN cũng nên nhìn nhận về cơ cấu nguồn vốn khi lãi suất thấp sẽ có dịch chuyển lớn và NHNN với vai trò điều hành phải suy nghĩ điều này. Lâu nay chính sách của NHNN rất an toàn và đảm bảo rủi ro hệ thống, lần này cũng vậy. Tuy nhiên, NHNN nên hỗ trợ ngân hàng thêm một chút trong thời điểm khó khăn hiện tại. Tăng Tỷ lệ NVNHCVTDH lên 50% tạm thời không phải là một biện pháp tệ.

Không chỉ Tỷ lệ NVNHCVTDH, các tỷ lệ an toàn hệ thống khác cũng nên có biện pháp nới lỏng tạm thời trong điều kiện hiện tại và tái cấu trúc lộ trình trong các năm tiếp theo để đảm bảo chi phí trung gian thấp hơn và vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống.  

Nguyễn Khánh, FRM - Founder Hedge Academy

FILI