Giá nhôm lập đỉnh 10 năm vì thiếu hụt cung

Giá nhôm lập đỉnh 10 năm vì thiếu hụt cung

Giá nhôm tăng 7 ngày liên tiếp lên mức cao nhất trong 10 năm giữa lúc Trung Quốc ra sức cắt giảm sản lượng và làm dấy lên nỗi lo thiếu hụt nguồn cung.

Tỉnh Quảng Tây, khu vực sản xuất kim loại lớn, sẽ cắt giảm sản lượng các vật liệu sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm cả nhôm, dựa trên nguồn tin thân cận. Điều đó xảy ra sau khi khu tự trị Tân Cương bắt đầu các biện pháp hạn chế tương tự từ tháng 8/2021.

Các động thái này nhằm thực hiện chiến dịch tiết kiệm điện và cắt giảm khí thải của Bắc Kinh. Trung Quốc sản xuất khoảng 60% lượng nhôm của thế giới.

Một số nhà máy luyện lớn nhất của đất nước tổ chức cuộc gọi điện video vào ngày 30/08, trong đó họ cam kết đảm bảo nguồn cung và tránh đầu cơ và giá tăng phi lý.

Giá nhôm tăng 2% lên 2,701.50 USD/tấn trên sàn giao dịch hàng hóa London (LME), mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.

Các kim loại cơ bản khác cũng khởi sắc với giá đồng tăng 0.7% khi nhân viên tại hai mỏ khai thác kim loại đồng ở Chile – chiếm hơn 25% sản lượng toàn cầu – đình công.

Trong năm nay, giá nhôm đã tăng gần 40% trên sàn LME, mức tăng mạnh thứ 2 trong 6 kim loại cơ bản.

Đà tăng nóng của giá nhôm đang giúp hồi sinh hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất từng phải vật lộn với tình trạng dư thừa nguồn cung trước đây.

Cổ phiếu của tập đoàn Alcoa tại Mỹ đã tăng hơn 90% trong năm nay, vượt xa mức tăng trưởng trung bình 20% của chỉ số S&P 500.

Tuy nhiên, các công ty như hãng nước uống tăng lực Monster lại đang chịu ảnh hưởng khi giá nhôm lập đỉnh 10 năm. Monster phải dốc sức tìm thêm nguồn cung cấp lon từ Mỹ, Nam Mỹ và châu Á.

Hồi đầu tháng 8, ban giám đốc của Monster cho biết hãng vừa đạt được thỏa thuận với hai nhà cung ứng lon tại Mỹ. Ông Hilton Schlosberg, đồng CEO của công ty nước tăng lực này, cho biết: "Chúng tôi đang trải qua bối cảnh chưa từng có tiền lệ. Tôi chưa khi nào thấy giá nhôm leo cao đến vậy dù đã ở trong ngành nhiều năm".

Trên thực tế, thế giới không thiếu nguồn cung nhôm. Tuy nhiên, sự gián đoạn trong hoạt động vận tải đang gây khó khăn trong việc tiếp cận chúng. Phần lớn dự trữ đang ở châu Á và khách hàng ở Mỹ cũng như châu Âu rất khó tiếp cận nguồn hàng.

Ông Roy Harvey, CEO của hãng sản xuất nhôm Alcoa, cho biết: "Nguồn cung nhôm ở Bắc Mỹ đang bị khan hiếm".

Vũ Hạo (Theo Bloomberg, WSJ)

FILI