Vùng 1,200 - 1,250 của VN-Index là phù hợp để xuống tiền?

Vùng 1,200 - 1,250 của VN-Index là phù hợp để xuống tiền?

Trong tọa đàm "Nhận diện cơ hội Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021" do báo Đầu tư tổ chức ngày 28/07, các chuyên gia từ quỹ đầu tư, công ty chứng khoán (CTCK) đã chia sẻ nhiều góc nhìn về triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021.

* Thanh khoản thị trường đang về mức hợp lý?

Chia sẻ tại tọa đàm, về mặt định giá, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Chiến lược Đầu tư Công ty Dragon Capital cho rằng mức P/E 19 lần đắt hay rẻ tùy thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Nếu nhìn vào Việt Nam trước khi dịch Covid-19 trở thành vấn đề lớn, Dragon Capital dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khoảng 50-52% (gồm cả doanh nghiệp trên UPCoM). Do tác động của làn sóng Covid thứ 4, quỹ hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 xuống 40%. Nếu dịch được kiểm soát từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay, thì mức tăng cho năm 2022 là 22-25%.

Nếu tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay khoảng 35-40%, P/E ở mức 14-15 lần. Năm 2022, nếu tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khoảng 22-25% thì PE giảm còn 11.5-12 lần, cách xa so với P/E trung bình thị trường 15-16 lần. Do đó, chỉ có vài công ty trên thị trường có mức định giá cao so với trung bình toàn thị trường và xét về tổng thể P/E 11-12 thì không đắt.

"Do vậy, trong ngắn hạn, nhà đầu tư mất 5 - 10% từ mức đỉnh của thị trường là hoàn toàn bình thường, song dài hạn có thể kiếm được 30 - 50%. Nếu tin vào tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 khoảng 22 - 25% thì vùng VN-Index khoảng 1,200 – 1,250 điểm là vùng nên quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt", chuyên gia của Dragon Capital nói.

Ông Lã Giang Trung - Tổng giám đốc Passion Investment lại có nhận định lạc quan hơn trên cơ sở kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, kỳ vọng khống chế Covid sớm. Thị trường chứng khoán sau nhịp điều đỉnh có thể tăng 30-40%. Theo đó, cuối năm 2021 VN-Index có thể đạt 1,600 - 1,700 điểm với điều kiện Covid được khống chế trong tháng 8-9.

Nói về vùng mua hợp lý, ông Lê Quang Minh - Giám đốc Phân tích Đầu tư CTCK Mirae Asset Việt Nam cho rằng khi thị trường điều chỉnh về 1,200 điểm là cơ hội tích lũy cổ phiếu, nhà đầu tư chưa mua được cổ phiếu giá rẻ thì sắp tới sẽ mua được. Mirae Asset dự báo vùng 1,440-1,500 là điểm đến của VN-Index trong nửa cuối năm, với điều kiện kiểm soát được dịch trong tháng 8. Ông Minh khuyến nghị tới nhà đầu tư các nhóm ngànhgồm công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, logistic, bất động sản khu công nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCK Rồng Việt (VDS), rủi ro hiện nay là tình trạng bán ròng của khối ngoại và tăng trưởng của thị trường phụ thuộc nhà đầu tư trong nước. Trong khi dịch bệnh Covid có thể khiến giãn cách kéo dài hơn mong đợi. Theo đó, thời kỳ kiếm tiền dễ đã qua, nhà đầu tư cần lựa chọn sàng lọc kỹ hơn cho giai đoạn tới.

Khối phân tích của VDS ưu tiên các doanh nghiệp ít chịu tác động của Covid, có khả năng tồn tại trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay. Cụ thể, VDS lựa chọn nhóm doanh nghiệp theo hướng số hóa, không chỉ ở trong nhóm công nghệ thông tin, mà nhóm ngành tài chính và dịch vụ tài chính đều ứng dụng số hóa nhiều – có thể đón đầu được phục hồi tốt.

Bên cạnh đó là nhóm xuất khẩu và phụ trợ xuất khẩu. Triển vọng của nhóm này dựa trên kỳ vọng sự phục hồi tiêu dùng của các đối tác thương mại chính của Việt Nam - (vốn sớm triển khai tiêm vacxin và các gói cứu trợ). Các doanh nghiệp xuất khẩu các thị trường này sẽ gặt hái được kết quả kinh doanh tích cực, bất kể giãn cách khiến công suất nhà máy không duy trì cao như bình thường.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp sản xuất trong nước nhưng có chuyển đổi về mô hình kinh doanh, như doanh nghiệp trước đây chuyên về thương mại, thì nay dịch chuyển dần để kéo dài chuỗi giá trị, từ thượng nguồn đến hạ nguồn, từ sản xuất đến phân phối được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng bền vững.

Chí Kiên

FILI