VPBank muốn chia cổ tức và thưởng cho cổ đông với tổng tỷ lệ 80%

VPBank muốn chia cổ tức và thưởng cho cổ đông với tổng tỷ lệ 80%

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBankHOSEVPB) dự kiến phát hành tổng cộng gần 1.98 tỷ cp để trả cổ tức và thưởng cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ thực hiện quyền là 80%.

VPBank vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 của Ngân hàng từ việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Theo phương án, VPBank sẽ phát hành tối đa gần 1.98 tỷ cp cho cổ đông, tỷ lệ phát hành chiếm 80% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt quyền. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa gần 19,758 tỷ đồng.

Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ phiếu trả cổ tức là 62.15%, nghĩa là cổ đông sở hữu 10,000 cp phổ thông sẽ được nhận thêm 6,215 cp mới, tương ứng với 1.23 tỷ cp được phát hành để trả cổ tức.

Tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng là 17.85%, tức cổ đông sở hữu 10,000 cp sẽ được nhận thêm 1,785 cp mới, tương đương với 747.84 triệu cp thưởng.

VPBank dự kiến thời điểm thực hiện vào quý 3 và/hoặc quý 4 năm nay.

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ gần 25,300 tỷ đồng lên mức 45,058 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 vừa qua, VPBank quyết định không chia cổ tức năm 2020 để giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên sau cùng, VPBank đã thay đổi quyết định chia cổ tức và thưởng cho cổ đông bằng cổ phiếu.

Ở tờ trình xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ VPBank năm 2021, HĐQT VPBank lý giải, theo quy định của pháp luật, một số chỉ số về an toàn vốn và an toàn hoạt động của Ngân hàng được tính dựa trên vốn điều lệ, do đó hiện tại có một vài chỉ số của VPBank đang ở mức giới hạn cao, nên chưa tận dụng được tối ưu các cơ hội mới, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Để cải thiện vấn đề này trong thời gian tới, HĐQT VPBank xét thấy việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng là cần thiết để đảm bảo tỷ lệ đầu tư, góp vốn mua công ty con và hoặc góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh khác có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng nằm trong quy định của pháp luật. Đồng thời cải thiện các tỷ lệ được quy định gắn với mức vốn điều lệ phục vụ cho việc linh hoạt trong quá trình kinh doanh như các tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán, tỷ lệ cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra chính thức ghi nhận nguồn vốn điều lệ, tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng và cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động khác.

Sắp tới, VPBank cũng dự kiến chào bán 15 triệu cp trong tổng số hơn 75.2 triệu cp quỹ cho cán bộ nhân viên với giá 10,000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành tương đương 0.611%/số cổ phiếu đang lưu hành.

Tổng số tiền thu được sau khi phát hành, VPBank dự kiến là 150 tỷ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho các hoạt động cho vay của Ngân hàng.

Năm 2021, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 đạt 16,654 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020. Kết thúc quý 1/2021, lợi nhuận trước và sau thuế quý 1 tăng 38%, đạt hơn 4,006 tỷ đồng và gần 3,202 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra, VPBank đã thực hiện được 24%.

Diễn biến giá cổ phiếu VPB trong 1 năm trở lại đây
Nguồn: VietstockFinance

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu VPB tăng mạnh trong vòng nửa năm trở lại đây. Kết phiên sáng 15/07/2021, thị giá VPB đạt 63,000 đồng/cp, tăng 94% so với đầu năm 2021.

Khang Di

FILI