Vietnam Airlines dự kiến lỗ hơn 14,500 tỷ đồng trong năm 2021

Vietnam Airlines dự kiến lỗ hơn 14,500 tỷ đồng trong năm 2021

Hãng hàng không quốc gia vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021, với khoản lỗ hợp nhất dự kiến hơn 14,500 tỷ đồng.

Cụ thể, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vừa  công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 ngay trước khi đơn vị này sẽ tổ chức Đại hội vào sáng nay 14/07 tại Hà Nội.

Theo kế hoạch trình cổ đông, HVN dự kiến tổng doanh thu năm 2021 sẽ đạt 37,364 tỷ đồng và lỗ ròng hợp nhất lên tới 14,526 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 11,178 tỷ đồng của năm 2020.

Nguồn: Vietnam Airlines

Kế hoạch lỗ khủng của Vietnam Airlines được đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và ghì chặt việc làm ăn của các hãng hàng không.

Vietnam Airlines lập kế hoạch kinh doanh năm 2021 dựa trên các giả định:

- Hoàn thành kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008.

- Cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa, khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện.

- Chính phủ cho phép mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin.

- Hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân năm 2021 dự kiến sẽ giúp tiết kiệm khoảng 6,800 tỷ đồng.

- Các chính sách hỗ trợ của chính phủ về chi phí cất hạ cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế, phí khác.

- Hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12,000 tỷ đồng của Chính phủ.

Điều này có nghĩa kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines có thể sẽ còn ảm đạm hơn nếu như các điều kiện trên không đạt được.

Lỗ hợp nhất 10,788 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Sau nhiều lần dịch Covid-19 tái bùng phát, hãng hàng không với biểu tượng sen vàng ghi nhận lỗ hợp nhất 10,788 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là 9,823 tỷ đồng, đồng thời các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro. Ngoài ra, theo tiết lộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vietnam Airlines có nợ quá hạn lên tới 6,240 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2021.

Nguồn: Tài liệu họp của Vietnam Airlines

Trong kế hoạch năm 2021, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu dự kiến lên tới 11.31 lần, cao hơn nhiều so với mức 5.07 lần của năm 2020. Đồng thời, khả năng thanh toán ngắn hạn 

Trình kế hoạch phát hành 800 triệu cp với giá 10,000 đồng 

HĐQT Vietnam Airlines trình cổ đông phương án phát hành 800 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56.4% với giá chào bán 10,000 đồng/cổ phiếu. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8,000 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu HVN theo phương thức chuyển giao quyền mua. Cổ đông được chuyển nhượng quyền mua 1 lần và chỉ được chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước. Hãng hàng không quốc gia dự kiến hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3 năm nay.

Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 12,000 tỷ đồng mà Chính phủ đã phê duyệt cho Vietnam Airlines trước đó.

Gần đây, Vietnam Airlines cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân SeABank, SHBMSB với tổng số tiền cho vay 4,000 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia cũng dự kiến bán 11 tàu A321 CEO cũ nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập. Tuy nhiên, thị trường đang đối mặt với tình trạng dư thừa tàu bay nên việc thanh lý 11 tàu bay này trong năm nay có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

 

Vũ Hạo

FILI