Trung Quốc cân nhắc áp thuế xuất khẩu thép

Trung Quốc cân nhắc áp thuế xuất khẩu thép

Trung Quốc đang cân nhắc áp thêm thuế lên hoạt động xuất khẩu thép với mục tiêu kìm hãm sản lượng nội địa, đồng thời kìm hãm đà tăng giá hàng hóa – vốn là yếu tố thổi bùng nỗi lo về lạm phát. Hợp đồng tương lai thép lao dốc sau thông tin này.

Các bên đang bàn luận mức thuế trong phạm vi 10%-25% và các sản phẩm bị áp thuế có cả thép cuộn cán nóng (HRC), dựa trên nguồn tin thân cận. Các quan chức muốn áp thuế xuất khẩu thép trong quý 3/2021, mặc dù chính sách này vẫn còn chờ được thông qua.

Trước đó, đất nước sản xuất thép lớn nhất thế giới đã hủy bỏ khoản hoàn thuế đối với xuất khẩu thép, đồng thời nâng thuế đối với một số sản phẩm từ đầu tháng 5/2021. Lần này, thuế xuất khẩu sẽ nhắm vào một số sản phẩm thép chưa được đề cập trong đợt nâng thuế hồi tháng 5, theo nguồn tin thân cận.

Cục Hải quan Trung Quốc không lập tức nhận định về thông tin thuế xuất khẩu thép. Hợp đồng tương lai thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 0.8%, còn thép thanh và quăng sắt giảm 2%.

“Với động thái này, Trung Quốc muốn nhắm tới những nhà sản xuất thép có thể đã cố tình ngó lơ chỉ thị của Chính phủ khi biên lợi nhuận quá lớn”, Atilla Widnell, Giám đốc điều hành tại Navigate Commodities, cho hay.

Ông Atilla Widnell kỳ vọng xuất khẩu thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc sẽ chịu thuế lên tới 20%. Đợt nâng thuế này sẽ gây tổn thương cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và có biên lãi thấp.

Trung Quốc, nước xuất khẩu thép nhiều nhất thế giới, đang ra sức cắt giảm sản lượng thép trong năm 2021 để giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường. Các chính sách của Trung Quốc được đưa ra sau khi đà tăng của nhu cầu thép đẩy giá mặt hàng này tăng lên kỷ lục vào tháng 5. Động thái nâng thuế xuất khẩu có thể siết chặt nguồn cung thép trên một thị trường vốn đã tăng trưởng nóng giữa bối cảnh các nước bắt đầu gượng dậy từ đại dịch Covid-19.

Các thị trường bên ngoài Trung Quốc chứng kiến giá thép tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên, trong đó giá tại châu Âu và Bắc Mỹ liên tục phá kỷ lục khi chính quyền tập trung vào kích thích kinh tế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Tại Trung Quốc, các cơ quan chức trách đã triển khai hàng loạt đợt cắt giảm sản lượng như một phần của chiến dịch giảm bớt phát thải. Thế nhưng, nửa đầu năm nay, sản lượng thép của Trung Quốc vẫn tăng – thậm chí sắp vượt mức kỷ lục trước đó – vì lo ngại Chính phủ có thể tăng cường biện pháp kiểm soát và gây ra sự khan hiếm nguồn cung thép. Điều này đã đã thúc giá thép và biên lợi nhuận từ hoạt động sản xuất thép tăng mạnh, qua đó thôi thúc các nhà máy đẩy mạnh sản xuất.

“Nếu biện pháp nâng thuế xuất khẩu được triển khai, các nhà sản xuất thép sẽ bớt hứng thú với việc xuất khẩu”, Ban Peng, Chuyên viên phân tích tại Maike Futures, cho hay. “Thế nhưng, lượng cung thép giữ lại thị trường Trung Quốc có thể không đủ để khỏa lấp tình trạng thiếu cung thép từ các đợt cắt giảm sản lượng thép trong 6 tháng cuối năm, giá thép nội địa sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm”.

Các hợp đồng tương lai thép giờ đã hồi phục lên gần mức kỷ lục và các nguyên vật liệu khác cũng tăng giá trở lại, qua đó gây ra áp lực lạm phát lên nền kinh tế Trung Quốc.

Xuất khẩu cũng khởi sắc trong tháng 6/2021. Sau cú sụt hơn 30% trong tháng 5/2021, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng hơn 20% trong tháng 6/2021. Trong khi đó, Nga cũng lên kế hoạch áp thuế lên hoạt động xuất khẩu thép và các kim loại cơ bản khác để kìm hãm lạm phát trong nước.

“Một số nhà cung ứng Trung Quốc có thể nâng giá xuất khẩu sau động thái nâng thuế, nhưng người mua nước ngoài có thể ‘cắn răn chịu đựng’ hoặc nhập nguồn nguyên liệu từ nơi khác với giá cạnh tranh hơn”, Widnell cho biết.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI