Thỏa thuận kỹ thuật số châu Á khơi dậy hy vọng Mỹ tái gia nhập CPTPP

Thỏa thuận kỹ thuật số châu Á khơi dậy hy vọng Mỹ tái gia nhập CPTPP

Kế hoạch tạo dựng thỏa thuận thương mại kỹ thuật số của Mỹ có thể là một bước để hướng tới việc Washington tái gia nhập thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết.

Các chi tiết của thỏa thuận kỹ thuật số tiềm năng vẫn còn đang được phác thảo, nhưng thỏa thuận có thể bao gồm các quốc gia như Australia, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Singapore, Bloomberg đưa tin vào ngày 13/07.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận kỹ thuật số này có phải là bước đệm để Mỹ tái gia nhập vào TPP – giờ đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hay không, ông Tehan cho rằng “có nhiều quốc gia trong khu vực hy vọng điều đó sẽ diễn ra, nhưng theo tôi, mọi thứ sẽ diễn ra từng bước một”.

Hiệp ước kỹ thuật số sẽ là một nỗ lực sớm của chính quyền Biden để tạo dựng một kế hoạch kinh tế dành khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017. Tehan cho biết ông đã có "cuộc họp rất tốt" với các nhà lập pháp Mỹ về thỏa thuận kỹ thuật số.

“Chúng ta hãy thực hiện từng bước một và tạo ra sự ủng hộ lưỡng đảng dành cho hiệp định thương mại kỹ thuật số ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và nếu chúng ta có thể thực hiện bước đầu tiên đó, hy vọng là chúng ta có thể xem xét bước thứ hai, đó là Mỹ sẽ trở thành thành viên CPTPP”, ông Tehan nói.

11 quốc gia thành viên thuộc CPTPP cho biết họ vẫn mở cửa cho tất cả các nước muốn gia nhập. Trung Quốc hiện đang thúc đẩy các cuộc đàm phán để tham gia CPTPP –  hiệp định từng được coi là sẽ củng cố sức mạnh kinh tế và quan hệ thương mại của Mỹ trong khu vực này.

Tehan đang tìm cách tăng sự ủng hộ dành cho Australia trong mối quan hệ ngày càng rạn nứt với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ vào tuần này, ông đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Tại đây, bà Tai cho biết Washington “sát cánh cùng Australia” trong những thách thức thương mại với Bắc Kinh.

Các mối quan hệ đã rạn nứt kể từ năm 2018, khi Australia cấm Huawei Technologies xây dựng mạng lưới 5G và lại càng căng thẳng hơn khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng một loạt các hành động thương mại trừng phạt nhằm vào các mặt hàng từ than đá đến lúa mạch, tôm hùm và rượu vang.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI