Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo, Hang Seng giảm gần 3%

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo, Hang Seng giảm gần 3%

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo sau đòn giáng về quy định từ phía Bắc Kinh.

Giá cổ phiếu công nghệ, giáo dục Trung Quốc tiếp tục lao dốc, trong khi nhóm bất động sản cũng nhuốm sắc đỏ. Giá cổ phiếu Tencent Holdings lao dốc gần 8% sau khi mảng âm nhạc của tập đoàn này không còn được streaming độc quyền và còn phải chịu án phạt từ phía Bắc Kinh. Giá cổ phiếu Meituan sụt giảm 16%, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, khi nhà đầu tư đang xem xét các quy định mới về nền tảng thực phẩm trực tuyến.

Chỉ số Hang Seng Tech – theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông – sụt mạnh 6% và đã thấp hơn so với thời điểm ra mắt cách đây 1 năm. Chỉ số Hang Seng giảm 2.9%, trong khi chỉ số Shanghai Composite đang sụt 2.3%. 

Trong ngày 26/07, chỉ số Nasdaq Golden Dragon China - bao gồm 98 công ty Trung Quốc lớn nhất được niêm yết tại Mỹ - giảm 7.8%, sau khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh cải tổ ngành công nghiệp giáo dục tư nhân. Tính trong 2 phiên gần đây nhất, chỉ số này đã giảm 15%, mức giảm 2 ngày mạnh nhất kể từ năm 2008.

"Sự kiện mới đây cho thấy các cơ quan chức tránh sẵn sàng làm phiền lòng nhà đầu tư để theo đuổi các mục tiêu chính trị", Oliver Jones, Chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng. "Thật khó để đoán điều gì sẽ xảy ra kế tiếp, nhưng nhìn chung, rủi ro suy giảm của cổ phiếu đã gia tăng".

Nhà đầu tư ở các lĩnh vực bị Bắc Kinh nhắm tới – từ công nghệ cho tới giáo dục – đang phải “vò đầu bứt tóc” khi Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân mà họ cho là làm gia tăng bất bình đẳng, gia tăng rủi ro tài chính.

“Nỗi lo lớn nhất tại thời điểm này là liệu các nhà điều hành có ra thêm động thái mới nào hay không và làn sóng kiểm soát có mở rộng sang các lĩnh vực khác hay không”, Daniel So, Chiến lược gia tại CMB International Securities, cho biết. “Nỗi lo về quy định sẽ đeo bám thị trường trong 6 tháng cuối năm nay”.

Vì vậy, theo ông, vẫn còn quá sớm để nhà đầu tư “bắt đáy”.

Đòn giáng về quy định

Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo trong hoảng loạn vào ngày 26/07, sau khi các nhà điều hành công bố các cải cách mà theo đó sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của các công ty tư nhân trong lĩnh vực giáo dục. Sau thông tin trên, các công ty chứng khoán lớn tại Hồng Kông đã giảm mức cho vay ký quỹ (margin) cho các cổ phiếu giáo dục Trung Quốc.

“Không có yếu tố nào để giúp nhà đầu tư tin vào mức định giá trong bối cảnh bất ổn về quy định hiện nay”, Dai Ming, Chuyên gia quản lý quỹ tại Huichen Asset Management, cho hay. “Trong quá khứ, thị trường kỳ vọng quy định bình thường với một số lĩnh vực nhất định, nhưng giờ thì có vẻ như Chính phủ có thể chấp nhận đàn áp cả 1 ngành hoặc một số công ty hàng đầu nếu cần thiết”.

Trong khi đó, nhóm bất động sản cũng bị tác động mạnh khi ông lớn China Evergrande Group quyết định không công bố cổ tức đặc biệt. Cổ phiếu Evergrande sụt tới 15%.

Chỉ số theo dõi cổ phiếu bất động sản Trung Quốc của Bloomberg giảm tới 3.4% trong ngày 27/07, sau khi rớt gần 5% trong ngày 26/07, do nhà đầu tư lo ngại lĩnh vực này sẽ bị siết thêm.

Trong khi đó, chỉ số theo dõi cổ phiếu y tế của Trung Quốc giảm tới 4% khi nhà đầu tư lo ngại y tế sẽ là mục tiêu kế tiếp của Bắc Kinh.

 

Diễn biến trên cho thấy sự tự tin của nhà đầu tư có thể suy giảm như thế nào trước những động thái kiểm soát từ phía Bắc Kinh. Các trader đang lo sợ đợt đàn áp mới nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục, thực phẩm và bất động sản có thể mở rộng sang các ngành khác như y tế, khi Trung Quốc muốn siết kiểm soát đối với các ông lớn công nghệ và giảm bớt khoảng cách giàu nghèo.

 

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI