Vì đâu cổ phiếu HSG bay cao suốt năm qua?

Vì đâu cổ phiếu HSG bay cao suốt năm qua?

Thị giá cổ phiếu HSG liên tục bay cao trên sàn chứng khoán trong hơn một năm qua với chỗ dựa là kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng và bức tranh tài chính doanh nghiệp ngày càng cân đối.

Kể từ tháng 4/2020 đến cuối tháng 5/2021, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã tăng đến 852%, nghiễm nhiên trở thành cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất sàn HOSE trong giai đoạn này.

Lợi nhuận trên từng cổ phần tăng liên tiếp 9 quý
Lợi nhuận sau thuế từng quý và EPS trượt 4 quý gần nhất của HSG
giai đoạn từ quý 2 NĐTC 2018-2019 đến quý 2 NĐTC 2020-2021

Động lực chính yếu của đà leo dốc cổ phiếu là nhờ HSG đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng (so với quý liền trước) trong 6 quý liên tiếp vào giai đoạn từ 01/10/2019 đến 31/03/2021. Theo đó, hệ số lợi nhuận trên từng cổ phần (EPS) trượt 4 quý gần nhất cũng liên tục gia tăng, đạt mức 5,342 đồng trong quý 2 niên độ tài chính (NĐTC) 2020-2021.

Trong những năm gần đây, HSG đã lần lượt tập trung đầu tư vào những lợi thế cạnh tranh như hệ thống phân phối, chất lượng sản phẩm, khả năng quản trị doanh nghiệp để từ đó đạt được những con số tăng trưởng tại các báo cáo kết quả kinh doanh.

HSG hiện có hệ thống phân phối quy mô hơn 536 chi nhánh - cửa hàng trên toàn quốc, cùng với đó, có khả năng sản xuất ra những sản phẩm chất lượng quốc tế đang ngày càng được lựa chọn nhập khẩu bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh thu thuần của HSG nhờ đó đã liên tục tăng kể từ quý 3 NĐTC 2019-2020. Đáng chú ý, vào quý 2 NĐTC 2020-2021, Công ty cũng đánh dấu mốc doanh thu thuần cao kỷ lục (10,846 tỷ đồng) trong lịch sử hoạt động.

Bên cạnh sự tăng trưởng của doanh thu, thêm một điểm sáng là việc biên lợi nhuận gộp của HSG đã duy trì ở mức cao liên tiếp trong 6 quý.

Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của HSG
Giai đoạn từ quý 2 NĐTC 2018-2019 đến quý 2 NĐTC 2020-2021
Nguồn: VietstockFinance

Các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được HSG chú trọng kiểm soát, qua đó thể hiện xu hướng giảm trong một giai đoạn kéo dài 9 quý liên tiếp.

Cụ thể hơn, chi phí tài chính (phần lớn là lãi vay) đã liên tục giảm từ quý 2 NĐTC 2018-2019. Trong khi đó, việc áp dụng hệ thống hoạch định nguồn lực (ERP) cùng việc tiến hành tái cấu trúc hệ thống phân phối đã giúp tối ưu hơn đối với toàn bộ hoạt động Công ty, nhờ đó chi phí quản lý của HSG ngày càng tinh gọn.

Chi phí bán hàng của HSG tăng lên mức cao hơn kể từ quý 4 NĐTC 2019-2020 khi doanh số của Công ty bùng nổ giữa môi trường kinh doanh thuận lợi của ngành thép. Tuy nhiên, xét tổng thể thì toàn bộ các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp chỉ tương đương 7.7% so với doanh thu thuần trong quý 2 NĐTC 2020-2021, trong khi đó, tỷ lệ này vào quý 2 NĐTC 2018-2019 ở mức 11% và vào quý NĐTC 2019-2020 là 15%.

Các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp của HSG
Nguồn: VietstockFinance

Cùng với các kết quả kinh doanh tích cực, bức tranh tài chính của HSG đã cải thiện rõ nét và ngày càng cân đối trong hai năm gần đây.

Kể từ đầu NĐTC 2019-2020 đến hết quý 2 NĐTC 2020-2021, tổng lượng nợ vay của HSG đã giảm từ 9,693 tỷ đồng xuống còn 6,753 tỷ đồng. Đồng thời, vốn chủ sở hữu ngày càng gia tăng khi doanh nghiệp tích lũy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Kết quả của hai xu hướng kể trên là việc hệ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu của HSG đã giảm từ mức gần 1.8 xuống còn hơn 0.8 trong giai đoạn NĐTC 2019-2020 đến hết quý 2 NĐTC 2020-2021.

* HSG ước lãi sau thuế 2.2 ngàn tỷ sau 7 tháng, vượt 47% kế hoạch cả niên độ

Thừa Vân

FILI