Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh can thiệp vào thị trường

Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh can thiệp vào thị trường

Trung Quốc đang dùng tới các biện pháp ngày càng mạnh tay hơn để kiểm soát rủi ro trong hệ thống tài chính.

Vài tuần gần đây, các cơ quan chức trách yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước giảm bớt vị thế trên các thị trường hàng hóa nước ngoài, buộc các ngân hàng nội địa giữ thêm ngoại tệ, cân nhắc áp mức trần giá than đá, chặn người dân tìm kiếm sàn giao dịch tiền ảo và cấm các công ty môi giới đưa ra mục tiêu lạc quan cho chỉ số cổ phiếu.

* Trung Quốc tung thêm biện pháp kiểm soát giá hàng hóa

* Trung Quốc bắt đầu tìm cách kiềm chế đà tăng của đồng nhân dân tệ

* Trung Quốc cân nhắc áp mức trần giá than đá?

Ngoài ra, theo quy định mới, các sản phẩm quản lý tài sản không được nắm giữ các chứng khoán rủi ro cao trong danh mục và hạn chế khả năng sử dụng đòn bẩy. Trong ngày 16/06, một quan chức cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch giải phóng dự trữ kim loại quốc gia để kìm hãm đà tăng của giá hàng hóa.

Tuy nhiên, các biện pháp này có thể làm nảy sinh rủi ro đạo đức. Nếu các trader biết Chính phủ có khả năng can thiệp vào để hạn chế mức lãi/lỗ của một loại tài sản, họ có thể đặt cược vào kết quả đó với một mức độ chắc chắn nào đó. Ngoài ra, việc Chính phủ ngầm đóng vai trò chốt chặn cũng có thể khuyến khích các canh bạc 1 chiều – một thách thức dành cho các nhà hoạch định chính sách khi họ tìm cách gia tăng tính hiệu quả của thị trường, đồng thời củng cố đà hồi phục kinh tế.

“Thế khó của Trung Quốc hiện nay là họ có quá nhiều nợ và nhiều rủi ro tác động tới hệ thống tài chính, qua đó khiến họ khó lòng từ bỏ sự kiểm soát với các thị trường nội địa”, Michael Pettis, Giảng viên tài chính tại Đại học Bắc Kinh và là tác giả của cuốn sách “Avoiding the Fall: China’s Economic Restructuring”, cho hay. “Trung Quốc càng ra tay ổn định thị trường thì chúng lại càng trở nên bất ổn về cơ bản vì rủi ro đạo đức”.

Các điều kiện nới lỏng tiền tệ trên diện rộng đang gây áp lực lên đôi vai của Bắc Kinh. Phần lớn thanh khoản từ các chính phủ và NHTW trong 15 tháng qua đã chảy thẳng sang Trung Quốc. Điều này là do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mang lại lợi suất cao hơn, đồng nội tệ mạnh và khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của khối ngoai ngày càng cao hơn.

Cảnh báo về bong bóng tài sản

Tuy vậy, với các biện pháp kiểm soát vốn một chiều, giá tài sản tại Trung Quốc bị lệch vì vốn vào thị trường quá lớn.

Các quan chức nhiều lần cảnh báo về bong bóng tài sản kể từ tháng 1/2021. Thậm chí trước khi đà tăng của giá hàng hóa thổi bùng lo ngại về lạm phát, các quan chức đưa ra nhận định khuyến khích thị trường cổ phiếu điều chỉnh, đồng thời hạn chế khả năng sử dụng đòn bẫy.

Tuần trước, Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), kêu gọi đối phó với rủi ro tài chính. Những người đầu cơ vào tiền tệ, vàng và các hợp đồng hàng hóa tương lai rồi sẽ phải trả cái giá đắt, cũng giống như những ai cho rằng giá bất động sản sẽ không bao giờ giảm, ông nhận định.

Nhà đầu tư nên cảnh giác với rủi ro giảm giá của đồng Nhân dân tệ khi đồng USD tăng giá, Ủy ban Giao dịch Ngoại tệ Trung Quốc cho biết trong ngày 16/06.

“Các nhà quyết sách đang giám sát chặt chẽ rủi ro trong hệ thống tài chính”, các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley viết trong báo cáo ngày 10/06. “Biện pháp kích thích của Trung Quốc trong giai đoạn dịch bệnh thật sự hiệu quả và đã châm ngòi đà hồi phục của nền kinh tế thực. Điều này trái với cách tiếp cận bơm tiền ‘như thác lũ’ ở một số thị trường phát triển – vốn là một phần lý do dẫn tới giá tài sản cao kỷ lục”.

Điều này không có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc đang từ bỏ nỗ lực giảm bớt sức ảnh hưởng của mình. Sự im lặng của Bắc Kinh về tương lai của China Huarong Asset Management – ông lớn quản lý nợ xấu gắn chặt với hệ thống ngân hàng Trung Quốc – khiến nhà đầu tư cảm thấy sốc. Bởi lẽ điều này đi ngược với các giả định trước đây, rằng Chính phủ sẽ luôn luôn cứu các công ty quan trọng về mặt hệ thống để duy trì sự ổn định.

Quan điểm “quá lớn để sụp đổ” có thể không còn áp dụng cho các công ty đi vay tại Trung Quốc, theo đánh giá của Goldman Sachs.

Áp lực ngày càng tăng

Chính phủ Trung Quốc đang đấu tranh chống lại các áp lực ngày càng tăng từ nhiều phía. Chỉ số giá hàng hóa tăng lên đỉnh 10 năm trong tháng này, trong đó đà tăng của giá năng lượng, kim loại và thực phẩm kéo dài hơn dự báo. Điều này sẽ đẩy lạm phát tăng nhanh hơn ở các thị trường mới nổi cũng như nền kinh tế phát triển như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuần trước, Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), cảnh báo lạm phát toàn cầu có vẻ không chỉ diễn ra tạm thời như dự báo của một số chuyên gia. Trong khi đó, Thống đốc NHTW Yi Gang cho rằng Trung Quốc không được từ bỏ thế phòng thủ khi đối mặt với áp lực lạm phát và giảm phát từ “mọi phía”.

Càng khiến tình hình thêm phần phức tạp là sự mong manh của đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Dữ liệu hôm thứ Tư (16/06) cho thấy doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng chậm hơn dự báo trong tháng 5/2021.

Cho tới nay, NHTW Trung Quốc cho biết sẽ không thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể. Không như các NHTW ở các nền kinh tế mới nổi khác như Nga, Brazil hay Angola, NHTW Trung Quốc được cho là sẽ không sớm tăng lãi suất.

Điều này có nghĩa là việc Trung Quốc nhắm tới rủi ro ở cấp độ vi mô có khả năng tiếp tục, ngay cả khi các biện pháp này củng cố cho niềm tin rằng Nhà nước luôn can thiệp khi mối đe đọa được cho là quá lớn. Do đó, việc Trung Quốc trở thành thị trường tự do thật sự có vẻ chỉ là một triển vọng xa vời.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI