Quan chức Trung Quốc: “Đầu cơ vào sản phẩm phái sinh tài chính cũng giống như cờ bạc trá hình”

Quan chức Trung Quốc: “Đầu cơ vào sản phẩm phái sinh tài chính cũng giống như cờ bạc trá hình”

Cơ quan điều tiết ngân hàng Trung Quốc lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư nhỏ lẻ tránh bỏ tiền vào các sản phẩm tài chính phái sinh. Điều này cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát rủi ro trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh trên toàn cầu.

Những người đầu cơ vào tiền tệ, vàng và các hợp đồng hàng hóa tương lai rồi sẽ phải trả cái giá đắt, cũng giống như những ai cho rằng giá bất động sản sẽ không bao giờ giảm, Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), cho hay.

Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC)

Việc cá nhân đầu cơ vào các sản phẩm phái sinh “cũng giống như đánh bạc trá hình. Kết quả thua lỗ của họ đã được định trước”, ông nói tại một diễn đàn ở Thượng Hải trong ngày 10/06.

Giữa lúc giá hàng hóa toàn cầu tăng lên kỷ lục, các quan chức Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kìm hãm đà tăng giá và ngăn chặn các dấu hiệu bong bóng tài sản. Cảm thấy lo ngại về bong bóng tài sản ngày càng lớn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng siết thanh khoản chảy vào nền kinh tế kể từ năm 2020, nhưng siết chậm rãi để tránh hủy hoại đà tăng trưởng.

Các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Industrial & Commercial Bank of China (ICBC), Bank of China và Bank of Communications, đều tạm ngưng hoạt động mở vị thế mới ở các sản phẩm gắn liền với hàng hóa như dầu thô, khí thiên nhiên và đậu nành đối với các cá nhân kể từ tháng 4/2020. Mục tiêu đề ra là bảo vệ khách hàng trước sự biến động của giá hàng hóa.

Động thái trên được đưa ra sau khi một sản phẩm gắn liền với giá dầu của Bank of China đã gây ra khoản lỗ hơn 1 tỷ USD cho khách hàng sau khi rớt xuống dưới ngưỡng 0. Các con số chính thức cho thấy hiện vẫn đang còn khoảng 1.88 tỷ Nhân dân tệ (265 triệu USD) vị thế đầu tư vào các sản phẩm liên quan tới hàng hóa, chiếm gần 0.01% thị trường sản phẩm quản lý tài sản.

Ông Gou cũng bảo vệ cách ứng phó đại dịch của Trung Quốc về mặt kinh tế vĩ mô. Những lời chỉ trích cho rằng Trung Quốc không đóng góp đủ cho tăng trưởng toàn cầu đều xuất phát từ “những định kiến hoặc sự hiểu sai”, ông Gou nói. Các chính sách của Trung Quốc đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn được cuộc suy thoái nghiêm trọng. Đồng thời, mức giá xuất khẩu ổn định của Trung Quốc đóng vai trò là “cái neo” cho lạm phát toàn cầu trước nỗ lực bơm tiền của các nước phát triển, ông nói.

Mặc dù sự bất ổn tài chính đã giảm bớt ở nhiều lĩnh vực của Trung Quốc, nhưng ông Gou vẫn kêu gọi kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế.

Các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ có khả năng trở thành nợ xấu, hoạt động của ngân hàng ngầm vẫn còn lớn và có thể dễ dàng tăng trở lại, đồng thời các âm mưu lừa đảo Ponzi đội lốt công nghệ tài chính hoặc tài chính internet liên tục xuất hiện, ông nói.

Pan Gongsheng, Trưởng bộ phận Cục quản lý ngoại hối Nhà nước, cũng cảnh báo đối với các công ty đang đầu cơ vào Nhân dân tệ, cho rằng các canh bạc này rồi sẽ thất bại.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI