Các CEO có phải là vấn đề?

Các CEO có phải là vấn đề?

Các CEO có thật sự đang mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó các công ty quan tâm hơn đến cộng đồng hay họ chỉ đơn giản là đang ra sức bảo vệ lợi ích của chính mình?

* Bài viết thể hiện quan điểm của DARON ACEMOGLU

Nguồn: Project Syndicate

Các CEO đang nắm quá nhiều quyền lực

ExxonMobil gần đây đã công bố kế hoạch 5 năm về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và họ đang thực hiện chiến dịch quảng cáo rầm rộ nhằm tuyên bố cam kết về một tương lai xanh. Gã khổng lồ về thuốc lá, Philip Morris đang quảng cáo kế hoạch giúp những người hút thuốc bỏ thuốc lá. Cùng với đó, Facebook cũng đang kêu gọi xây thêm quy định mới về internet. Những động thái này diễn ra chưa đầy hai năm sau khi các CEO của những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố kêu gọi việc kinh doanh phải phục vụ cho lợi ích của tất cả bên liên quan.

Trong nhiều thập kỷ, các CEO và các học giả nổi tiếng tin rằng cam kết duy nhất của các tập đoàn là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông của mình. Một quan điểm khác, ít được chấp nhận tại thời điểm đó, được xuất bản trên tạp chí New York Times do Milton Friedman biên soạn đã đề cao trách nhiệm xã hội trong việc đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Quan điểm này sau đó đã nhận được sự đồng tình từ giới học thuật với nhiều bài báo từ Harvard Business School do Michael Jensen viết. Michael Jensen chính là người thực hiện nhiều phân tích chứng minh tính đúng đắn của học thuyết trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tế. Một bài báo tiêu biểu tại thời điểm trên được viết bởi Jensen và Kevin Murphy, công tác tại Đại học Nam California đã ước tính rằng mức lương trung bình của một CEO chỉ tăng khoảng 3,25 USD cho mỗi 1.000 USD giá trị mà họ đem lại cho công ty của mình, điều này cho thấy doanh nghiệp cần phải thiết kế chế độ lương thưởng phù hợp hơn cho các nhà quản lý cấp cao của mình.

Tuy nhiên, những nghiên cứu trên vẫn chưa tạo được tiếng vang trên thị trường. Trong khi đó vào khoảng 1980, các CEO như Jack Welch của General Electric và nhiều công ty tư vấn quản lý đã bình thường hóa quan niệm trước đó về giá trị của cổ đông. Các công ty bắt đầu cắt giảm nhân sự, hạn chế tăng lương và chuyển giao bớt việc cho bên thứ ba. Tất cả việc làm trên được thực hiện nhằm tối đa hóa giá trị của cổ đông.

Mặc dù những người ủng hộ việc ưu tiên quyền lợi cho cổ đông lên trên hết không có nghĩa là họ cũng sẽ đồng tình với những gian lận tài chính như Enron và Worldcom. Tuy vậy, chúng ta có thể dễ dàng thấy sự quan tâm quá mức về đà tăng của cổ phiếu đã khiến nhiều CEO đi quá xa. Ngày nay, càng nhiều sự đồng thuận rằng tối đa hóa giá trị cổ đông không còn là mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa vấn đề trên thì vẫn chưa thật sự rõ ràng.

Chúng ta có nên xây dựng một điều lệ mới mà ở đó các CEO được khuyến khích theo đuổi mục tiêu hướng tới cộng đồng. Các CEO này dường như cũng đồng tình như vậy nhưng tôi sẽ thận trọng trước bất kỳ giải pháp nào mà điều đó lại giao cho họ nhiều quyền lực hơn. Vấn đề về quyền lợi cổ đông không chỉ gây ra áp lực về tăng giá cổ phiếu và sự mâu thuẫn về lợi ích giữa nhân viên với cổ đông mà nó còn là việc các nhà quản lý được nắm quá nhiều quyền lực.

Hiện nay có rất nhiều CEO điều hành doanh nghiệp của họ dựa vào tầm nhìn của bản thân. Có rất ít sự giám sát từ xã hội và lương thưởng cho cấp quản lý đã tăng vọt. Bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch, các CEO từ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng từ Covid-19 vẫn nhận được hàng triệu USD trong năm ngoái.

Khi các CEO nhận được một nhiệm vụ mơ hồ về việc theo đuổi lợi ích của các bên liên quan mà họ cho là phù hợp thì việc lạm quyền là điều không thể tránh khỏi. Một số công ty có thể chi hàng triệu USD cho dự án con cưng của các CEO (có thể là Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan hoặc một chương trình học tại đại học công yêu thích của họ) hoặc cho các mục đích “từ thiện” mà thực sự chỉ là một cách kiếm tiền nhờ vào các mối quan hệ.

Các giải pháp cần thiết

Theo chính sách khen thưởng hiện tại, có rất ít biện pháp đáng kể nhằm hạn chế việc thu thập một lượng lớn dữ liệu của người tiêu dùng, xâm phạm quyền của người lao động và thiết lập các hình thức giám sát gắt gao; ngay cả khi họ đang tuyên truyền và quảng cáo tốt về các chính sách hướng đến xã hội của mình. Và chắc chắn rằng không có gì ngăn cản họ theo đuổi triệt để quá trình tự động hóa nhằm giảm chi phí lao động, tiết giảm công việc của nhân viên chỉ để kiếm thêm vài USD cho cổ đông của mình. Nhằm hạn chế vấn đề trên thì tôi đề xuất nên thực hiện cùng lúc hai giải pháp:

- Thứ nhất, cần tăng cường thêm các rào cản về pháp lý và thể chế đối với các CEO. Đã quá lâu rồi, các CEO không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Ngay cả khi đây là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 thì các CEO hầu như không bị trừng phạt gì đáng kể về mặt pháp lý. Như nhà báo Jesse Eisinger đã chỉ ra, bối cảnh pháp lý thân thiện với các nhà điều hành ngày nay chủ yếu là đến từ xu hướng mà tại đó các công tố viên đã tránh né cáo buộc liên quan đến các sai phạm trong hoạt động kinh doanh và các CEO nhằm mục đích tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp của họ.

Quan trọng hơn, luật pháp cần phải thiết lập một ranh giới rõ ràng hơn. Không nên để các CEO quyết định việc có nên tận dụng triệt để các biện pháp tránh thuế hay không. Sau đó, chính họ lại thu lợi từ khoản tiền không phải nộp thuế này. Chúng ta cũng không nên để họ thoải mái lựa chọn quy trình giảm khí thải ra môi trường. Ngoài ra, chúng ta cần khẩn trương hạn chế xu hướng tự động hóa nếu nó không thật sự cần thiết. Tất cả những vấn đề này đều liên quan mật thiết đến việc xây dựng nên một xã hội phát triển bền vững và đương nhiên quá trình ấy không nên được phó mặc cho những CEO tư lợi.

- Thứ hai, khuyến khích các hoạt động từ dư luận. Những chuyển biến tích cực từ ExxonMobil, Philip Morris và Facebook ngày nay là nhờ áp lực ngày một lớn từ phía dư luận. Nhưng áp lực trên sẽ còn phát huy hiệu quả hơn nếu có sự giúp đỡ từ phía pháp luật, khi luật pháp quy định cụ thể hơn những hành vi nào là không được chấp nhận từ phía doanh nghiệp như là hành vi trốn thuế, tự động hóa quá mức, gây ô nhiễm môi trường hay những mánh khóe về kế toán.

Không chỉ nhờ vào pháp luật, các tổ chức công đoàn nên có sự hợp tác chặt chẽ hơn nhằm tạo ra áp lực đủ lớn lên các tập đoàn, chứ không phải các chiến dịch rời rạc chỉ nhằm mục đích xoa dịu và loại bỏ những chỉ trích từ phía dư luận.

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng động đóng vai trò rất quan trọng và chúng không chỉ nên được phó mặc hoàn toàn cho ban lãnh đạo của các công ty.

Giới thiệu về tác giả DARON ACEMOGLU

Ông được công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ tại London School of Economics vào năm 1992. Hiện tại, ông đang là giáo sư Kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Đồng thời, ông cũng là đồng tác giả của các đầu sách nổi tiếng như: Why Nations Fail: Origins of Power, Poverty and Prosperity; The Narrow Corridor: States, Societies, and the Fate of Liberty

Ngoài ra, ông cũng là chủ nhân của hàng loạt giải thưởng như: John Bates Clark Medal from the American Economic Association năm 2005, Distinguished Science Award from the Turkish Sciences Association năm 2006.

Nguồn: MIT

Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)

FILI