WSJ: Chiến lược né thuế của các nhà sản xuất Trung Quốc

WSJ: Chiến lược né thuế của các nhà sản xuất Trung Quốc

Hàng chục năm qua, công ty Valdunes của Pháp thường tính giá rất cao cho những chiếc bánh xe chuyên dùng trong tàu cao tốc và các hệ thống đường sắt khác trên khắp thế giới. Tuy vậy, chiến lược này đã thay đổi sau khi một tập đoàn Trung Quốc thâu tóm Valdunes trong năm 2014.

Chủ mới Maanshan Iron & Steel (MA Steel) – một công ty có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc – đã giảm mạnh giá bán nhằm nâng cao thị phần. “Chúng tôi được chỉ đạo rằng không được bỏ lỡ bất kỳ đơn hàng nào”, ông Jérôme Duchange – cựu Giám đốc của Valdunes ở Pháp – cho biết. “Khát khao chinh phục của họ thật sự rất lớn”.

Valdunes hiện đang phục vụ cho mục tiêu chiến lược của ông lớn Trung Quốc này: Chuyển giao bí quyết sản xuất bánh xe lửa dành cho tàu cao tốc cho các nhà máy Trung Quốc, đồng thời chen chân vào lĩnh vực đường sắt bị kiểm soát gắt gao tại châu Âu và các lĩnh vực khác trên toàn thế giới. Vì lý do đó, Valdunes nhận dòng tín dụng giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và 150 triệu Euro (tương đương 181 triệu USD) từ MA Steel, đồng thời hoạt động mà không cần quan tâm tới lãi/lỗ.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã trợ cấp hàng tỷ đô để các doanh nghiệp quốc doanh thâu tóm các đối thủ sản xuất ở phương Tây cũng như xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Hiện tại, các nhà máy Trung Quốc ở nước ngoài đang làm chao đảo thị trường toàn cầu bằng những sản phẩm giá siêu rẻ. Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, từ các nhà sản xuất lốp xe hơi và thiết bị đường sắt cho tới sợi thủy tinh và thép.

“Các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng ở những nơi khác”, Luisa Santos, Phó Giám đốc Hiệp hội Kinh doanh BusinessEurope, nhận định. “Điều đó đồng nghĩa những lỗ hổng mà chúng ta nhìn thấy ở thị trường Trung Quốc sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khác”.

EU tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc

Tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất dự luật để kiểm soát các công ty nhận trợ cấp từ chính quyền nước ngoài. Đây là một trong hàng loạt biện pháp nhằm kìm hãm sự bành trướng của các công ty Trung Quốc trên toàn cầu.

Ông Zhang Ming, Đại sứ Trung Quốc tại khối EU, cho biết châu Âu lo ngại về nhóm nhà đầu tư Trung Quốc ở khu vực này, đồng thời không còn quá cởi mở với các khoản đầu tư nước ngoài như trước.

Mỹ và các quốc gia tại châu Âu cũng đang trợ cấp cho các ngành công nghiệp của nước họ, thông qua miễn giảm thuế, tài trợ xuất khẩu và cấp vốn nghiên cứu và phát triển (R&D). Không như các quốc gia này, tại Trung Quốc, các doanh nghiệp quốc doanh giữ vai trò rất lớn trong nền kinh tế và Chính phủ sẵn lòng hỗ trợ cho việc mở rộng ra nước ngoài.

Mỹ và châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hàng rào thuế quan để trừng phạt hành vi trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nguyên tắc của WTO không có điều khoản để kiểm soát các khoản trợ cấp mà chính phủ một nước cấp cho các nhà sản xuất ở nước ngoài.

Kết quả là các nhà máy của Trung Quốc ở nước ngoài thường được hưởng mức thuế thấp hơn so với các công ty nội địa.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Trung Quốc giúp các nhà sản xuất ở nước ngoài vẫn có thể hoạt động dù biên lợi nhuận rất mỏng hoặc thậm chí lỗ. Đổi lại, họ sẽ chiếm thị phần hoặc phục vụ cho mục tiêu chiến lược của Chính phủ Trung Quốc.

“Trung Quốc có lẽ chưa bao giờ quan tâm tới lợi nhuận vì họ là một nền kinh tế phi thị trường”, Michael Wessel, thành viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, cho hay. “Chúng ta, với tư cách là một nền kinh tế thị trường, buộc phải đánh giá xem điều này có thể chấp nhận được hay không”.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung là tổ chức cố vấn cho Quốc hội Mỹ về chính sách đối phó với Trung Quốc.

Ủy ban này đang đề xuất Quốc hội trao quyền để Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) ngăn chặn các vụ thâu tóm từ các công ty nhận trợ cấp từ Chính phủ nước ngoài, nhất là nếu lượng vốn từ chính phủ nước ngoài được sử dụng để thực hiện thương vụ thâu tóm.

Ngoài ra, Ủy ban Thương mại Liên bang cũng đề xuất rằng các cơ quan chức trách nên có quyền sàng lọc các kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ của doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc và xem xét liệu chúng có phải là mối nguy cơ với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia hay không.

Dự luật đề xuất của EU sẽ cho phép Ủy ban châu Âu (EC) – cánh tay điều hành của EU – ngăn chặn các vụ thâu tóm của các công ty nhận trợ cấp từ chính quyền nước ngoài hoặc áp biện pháp giới hạn để chặn đứng sự bóp méo tới thị trường châu Âu.

Quy định của EU giới hạn mức trợ cấp mà các thành viên EU có thể cung cấp cho các công ty tư nhân. Các quan chức EU cho biết dự luật về trợ cấp sẽ giúp tạo sân chơi công bằng. Cụ thể, các công ty Trung Quốc tại châu Âu sẽ không được phép nhận trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc khi mà các công ty châu Âu không được nhận trợ cấp từ Chính phủ nước họ.

Để duy trì khả năng tiếp cận tới thị trường châu Âu, Chính phủ Trung Quốc đang đề xuất gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư của các công ty châu Âu tại thị trường Trung Quốc. Đây là một phần của thỏa thuận đầu tư sơ bộ giữa Trung Quốc và EU trong tháng 12/2020.

Đáp lại, EU cho biết họ đang đẩy mạnh dự luật về trợ cấp nước ngoài cho dù có thỏa thuận đầu tư này hay không.

Trung Quốc xây dựng nhà máy ở hàng loạt quốc gia

Hồi tháng 1/2021, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá với lốp xe từ Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam sau khi các ông lớn Trung Quốc xây dựng cơ sở sản xuất ở những quốc gia này để né thuế.

Các khoản đầu tư Trung Quốc cũng góp phần biến Thái Lan thành quốc gia xuất khẩu lốp xe lớn nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất lốp xe ở Algeria, Serbia và các nơi khác để xuất khẩu tới phương Tây.

Năm 2020, EU đã áp hàng rào thuế quan đối với các nhà sản xuất sợi thủy tinh của Trung Quốc và thế là các công ty này chuyển sang xây dựng nhà máy ở khu công nghiệp Ai Cập. Đáng chú ý hơn, khu công nghiệp này lại do phía Trung Quốc vận hành.

Các nhà điều tra EU cũng phát hiện ra các công ty Trung Quốc tại Ai Cập đã nhận hàng trăm triệu USD dưới dạng khoản vay và các khoản chuyển tiền từ các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc hoặc chuyển thông qua công ty mẹ ở Trung Quốc.

Hồi tháng 2/2021, EU mở cuộc điều tra về việc Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất thép không gỉ lớn nhất thế giới ở đặc khu Indonesia.

China Railway Rolling Stock Corp (CRRC) – tập đoàn đường sắt quốc doanh Trung Quốc – đã xây dựng 2 nhà máy tại Mỹ. Các khoản đầu tư này giúp CRRC lấy lòng các chính trị gia địa phương và cũng đáp ứng yêu cầu phải mua một lượng hàng hóa tối thiểu từ phía Mỹ.

CRRC đã đưa ra mức giá thấp hơn khoảng 20% so với các đối thủ cạnh tranh gần với họ nhất, đồng thời thắng thầu tại Boston, Chicago, Los Angeles và Philadelphia, theo tài liệu của Chính phủ Mỹ.

Năm 2019, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm sử dụng tiền từ quỹ vận tải liên bang để mua xe lửa và xe buýt chở khách do các công ty Trung Quốc sản xuất ra.

Tuy nhiên, CRRC đã được ân hạn thêm 2 năm. Việc CRRC được ân hạn là nhờ có các đồng minh ở Quốc hội như Đảng viên Dân chủ Richard Neal – hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện. Ông Neal cho biết ông muốn gia hạn thời gian ân hạn vô thời hạn với CRRC.

Khi MA Steel mua lại Valdunes với giá 13 triệu Euro, Công ty Pháp này đang gặp khó khăn về tài chính. MA Steel nhận thấy thương vụ thâu tóm này như một cách để mở rộng kênh bán hàng ở nước ngoài bởi lẽ thương hiệu Valdunes rất nổi tiếng trong ngành. Bên cạnh đó, họ cũng nhận được bí quyết để làm bánh xe lửa có độ chính xác cao cho tàu cao tốc.

Công ty này – sau đó được đổi tên thành MG-Valdunes – nhận nguồn tài trợ từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc như Bank of China và China Construction Bank với lãi suất chỉ 1-2%, theo tài liệu doanh nghiệp.

Sau khi quan sát Valdunes trong 1 năm, MA Steel chỉ đạo các giám đốc người Pháp của Công ty phải đảm bảo lấp đầy sổ đặt hàng, bất chấp giá cả và chi phí sản xuất, cựu Giám đốc điều hành cho biết.

Chiến lược này khiến thua lỗ chồng chất. Ông Duchange – cựu CEO của Valdunes – nhớ lại, khi đó các giám đốc MA Steel đã nói Valdunes có thể nâng giá trở lại sau khi chiếm thị phần. Ông Duchange cho biết một giám đốc điều hành của MA Steel giải thích chiến lược này bằng một câu nói của người Trung Quốc: “Không có mảnh đất nào cằn cỗi, chỉ có những người nông dân chưa làm đủ”.

Valdunes và MA Steel không phản hồi về thông tin trên.

Valdunes bắt đầu xuất khẩu bánh xe giá rẻ tới Australia để phục vụ cho hoạt động khai khoáng. Kim ngạch nhập khẩu từ cả Valdunes và MA Steel tăng quá nhanh và thôi thúc Australia áp thuế chống bán phá giá với hai công ty này.

Cùng năm đó, khi khoản lỗ ngày càng chồng chất, ban Giám đốc MA Steel đồng ý cấp thêm 70 triệu Euro cho Valdunes. “Valdunes là cây cầu để MA Steel thâm nhập vào châu Âu và các thị trường nước ngoài khác”, MA Steel cho biết tại thời điểm đó.

MA Steel sử dụng Valdunes để bán hàng tới châu Âu và những nơi khác. Kim ngạch xuất khẩu bánh xe dành cho tàu cao tốc tới EU đã tăng gần gấp 4 lần kể từ thương vụ thâu tóm Valdunes của MA Steel. Đồng thời, ông lớn Trung Quốc đã cử kỹ sư của Valdunes để truyền bí quyết sản xuất bánh xe cho nhà máy tại Trung Quốc. Những bánh xe này đòi hỏi độ chính xác cao hơn nhiều so với loại MA Steel tự sản xuất cho các tàu chở hàng hóa.

“Tôi e rằng dần dần, chúng ta sẽ chẳng còn sản xuất bánh xe tại Pháp nữa”, ông Duchange – người đã rời Valdunes vào năm 2019 – cho biết.

Vào cuối năm 2019, MA Steel đã được sáp nhập vào China Baowu – hãng sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc và có sự hậu thuẫn của chính quyền trung ương. Theo thỏa thuận mới, MA Steel cho biết mảng đường sắt sẽ tiếp nối chiến lược mở rộng toàn cầu thông qua Valdunes.

“Chính quyền Biden thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của hệ thống vận tải đường sắt”, Ding Yi, Chủ tịch MA Steel, cho biết khi bàn về kết quả hoạt động của Công ty trong tháng 3/2021. “Điều này mang lại cơ hội tuyệt vời cho chúng ta”.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI