TS Lombard: Tiền kỹ thuật số có dấu hiệu của cơn sốt đầu cơ

TS Lombard: Tiền kỹ thuật số có dấu hiệu của cơn sốt đầu cơ

Tiền kỹ thuật số có vẻ đang có dấu hiệu “bong bóng” và có nhiều nét kinh điển của cơn sốt đầu cơ, theo báo cáo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại Anh.

Công ty đã chỉ ra những nét tương đồng khá rõ của những “bong bóng” tài chính trước đây với tiền kỹ thuật số, nhất là “cơn sốt hoa tulip”.

Theo TS Lombard, đà tăng giá của hoa tulip diễn ra trong đại dịch năm 1963 giống với việc tăng giá của các loại tiền kỹ thuật số diễn ra giữa đại dịch Covid-19. Cảm thấy chán nản vì bị kẹt tại nhà giữa dịch bệnh, nhiều người đã đầu tư những khoản tiền cứu trợ vào những tài sản mang tính đầu cơ.

Theo báo cáo của TS Lombard, trong suốt giai đoạn “bong bóng hoa tulip”, nhiều nhà đầu tư có được khoản tiền mặt dồi dào thừa hưởng từ những người thân bị mất do dịch hạch và họ đã dùng số tiền đó để đầu tư vào hoa tulip. Thế nhưng, đà tăng giá vì đầu cơ có thể đảo chiều khi lượng tiền dư thừa suy giảm và đại dịch dần thuyên giảm.

“Nếu như một phần lớn của đà tăng giá là do đầu cơ thì xu hướng tăng đó có khả năng đảo chiều khi chính sách hỗ trợ giảm đi và người ta trở lại văn phòng làm việc của họ”, TS Lombard lý giải trong báo cáo.

Nhiều người đầu tư vào tiền kỹ thuật số hiện tin rằng chúng sẽ đóng vai trò như một kênh phòng vệ lạm phát. Tuy nhiên, báo cáo của TS Lombard đã kết luận rằng, không có bằng chứng nào chứng minh vai trò đó vì tiền kỹ thuật số khá tương quan cùng chiều với cổ phiếu.

“Về phương diện đa dạng hóa, tiền kỹ thuật số không chắc sẽ thể hiện những đặc tính ‘phòng vệ’ mà nhà đầu tư đang tìm kiếm", dựa trên báo cáo của TS Lombard. Hồi tháng 3/2020, giá Bitcoin đã giảm 32% khi đại dịch bùng phát, gần tương đương mức giảm của S&P 500.

Trong tuần trước, cả Bitcoin và Ether đều giảm hơn 30% chỉ trong vòng 1 ngày khi làn sóng bán tháo lan rộng khắp lĩnh vực này.

Đối với một kênh phòng vệ lạm phát đã được chứng minh trong suốt giai đoạn giá hàng hóa tăng, TS Lombard hướng nhà đầu từ vào vàng. Kim loại quý này đã phòng ngừa lạm phát khá tốt trong suốt giai đoạn lạm phát cao của thập niên 70.

TS Lombard nêu trong báo cáo: “Với mức độ lo lắng của nhà đầu tư về mối nguy lạm phát trong trung hạn, có lẽ họ nên phòng vệ mối nguy đó bằng cách sử dụng những tài sản truyền thống như vàng và các ngành mang tính phòng vệ trên thị trường chứng khoán thay vì đánh cược vào những tài sản ảo đầy biến động”.

Dù vậy, theo TS Lombard, tiền kỹ thuật số sẽ không biến mất, nhất là khi các tổ chức tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này và đặc điểm tài chính phi tập trung (DeFi) khá hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Công ty nghiên cứu này còn hướng nhà đầu tư đến Ethereum do đồng tiền này có thể cung cấp cơ sở hạ tầng cho hạ tầng tài chính toàn cầu hoàn toàn mới. Đồng thời, Ethereum có nhiều ứng dụng tiềm năng trong ngành tài chính, ngoài việc sử dụng token như một tài sản an toàn.

TS Lombard kết luận: “Khi nhà đầu tư tổ chức mua Ether, cũng giống như họ mua một tấm vé để truy cập vào công nghệ nền tảng cho đồng tiền kỹ thuật số này”.

Khai Tâm (Theo Business Insider)

FILI