Tập đoàn Alibaba có quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2012, cổ phiếu giảm 35% từ đỉnh

Tập đoàn Alibaba có quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2012, cổ phiếu giảm 35% từ đỉnh

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding vừa ghi nhận quý lỗ ròng đầu tiên kể từ năm 2012, đồng thời cổ phiếu cũng giảm 35% từ mức đỉnh tháng 10/2020.

Trong 3 tháng đầu năm, hãng thương mại điện tử đầu tàu của tỷ phú Jack Ma bất ngờ báo lỗ ròng 5.5 tỷ Nhân dân tệ (852 triệu USD) sau khi ghi nhận khoản phạt 2.8 tỷ USD từ Chính phủ Trung Quốc. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2012.

Hiện tại, Alibaba dự định chuyển sự tập trung sang mảng công nghệ và các lĩnh vực cạnh tranh gay gắt như thương mại cộng đồng (community commerce), Giám đốc điều hành Daniel Zhang cho biết trong ngày 13/05.

Cổ phiếu Alibaba lập tức giảm hơn 6% sau khi Citigroup và CICC giảm mục tiêu giá cổ phiếu vì lo ngại việc tập trung vào đẩy mạnh tăng trưởng sẽ kìm hãm lợi nhuận của gã khổng lồ này.

Bị phạt 2.8 tỷ USD

Các giám đốc Alibaba sẽ tìm cách vượt qua đợt kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc – vốn là yếu tố đã “thổi bay” 260 tỷ USD vốn hóa khỏi Tập đoàn này.

Khoản phạt 2.8 tỷ USD đưa ra hồi tháng 4/2021 đánh dấu sự kết thúc của cuộc điều tra kéo dài 4 tháng, nhưng bóng đen vẫn bao phủ lấy Alibaba. Hiện tại, Bắc Kinh tiếp tục ra động thái kiểm soát các tập đoàn công nghệ từ Alibaba, Tencent cho tới Meituan. CEO Zhang nhấn mạnh Alibaba đã chấp nhận nộp phạt và sẽ tiến bước về phía trước.

“Chúng tôi đã chấp nhận khoản phạt và sẽ đảm bảo tuân thủ”, CEO Zhang cho biết. “Trong suốt năm tài chính vừa qua, chúng tôi đã đi qua rất nhiều thách thức, bao gồm đại dịch Covid-19, cạnh tranh gay gắt, cuộc điều tra chống độc quyền và quyết định phạt từ phía các cơ quan điều hành Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để vượt qua thách thức này là nhìn về phía trước và đầu tư cho dài hạn”.

Cổ phiếu Alibaba đã giảm 35% so với đỉnh tháng 10/2020, ngay trước khi ông Jack Ma phát biểu chỉ trích các cơ quan điều hành Trung Quốc và dẫn tới việc tạm ngừng IPO của Ant Group và chuỗi sự kiện đằng sau.

Vẫn còn quá nhiều bất ổn

“Vẫn còn quá nhiều bất ổn tại Alibaba”, Andy Halliwell, Chuyên viên phân tích tại công ty tư vấn Publicis Sapient, cho hay. “Chắc chắn là Alibaba đã tận dụng chiến lược kỹ thuật số và công nghệ trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem vụ việc của ông Jack Ma trong năm ngoái có tác động lâu dài tới thương hiệu Alibaba và niềm tin của nhà đầu tư hay không”.

Alibaba đang cố truyền tải thông điệp rằng hoạt động kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường. Tuần này, ông Ma đã xuất hiện tại một bữa tiệc hàng năm của nhân viên và gia đình ở khuôn viên Alibaba ở Hàng Châu.

Trong ngày 13/05, Alibaba dự báo doanh thu cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 sẽ tăng ít nhất 30% lên hơn 930 tỷ Nhân dân tệ, vượt qua dự báo trung bình 923.5 tỷ Nhân dân tệ của các chuyên gia.  Tuy vậy, mức tăng trưởng doanh thu dự báo này có suy giảm so với mức 41% của năm trước đó và được đưa ra sau khi doanh số 3 tháng đầu năm đạt mức tốt hơn dự báo 187.4 tỷ Nhân dân tệ.

Dù đưa ra dự báo tăng trưởng mạnh về doanh thu, nhưng các chuyên viên phân tích vẫn cảm thấy thất vọng khi xét tới cam kết tăng chi tiêu. Vẫn chưa rõ việc gia tăng chi tiêu đầu tư sẽ tác động bao nhiêu tới biên lợi nhuận.

Bên cạnh đó, một động cơ tăng trưởng của Alibaba đang chậm lại: Doanh thu mảng đám mây tăng trưởng 37% trong 3 tháng đầu năm sau khi một khách hàng lớn không tiếp tục đồng hành cùng Tập đoàn.

Ông Zhang chỉ ra thương mại cộng đồng (community commerce) – một lĩnh vực đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ nhiều tiền như JD.com và Pinduoduo – như một cách thức để tiếp cận tới các khách hàng ở thành phố cấp thấp và nông thôn. Các giám đốc tại Alibaba sẽ rất kỷ luật trong việc chi tiêu, nhưng không nói chi tiết.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều dấu hỏi khác về triển vọng của Alibaba trong năm tài chính hiện tại. Alibaba cùng với 33 công ty công nghệ khác đã cam kết tuân thủ luật chống độc quyền và xóa bỏ các hành vi lạm dụng như các thỏa thuận độc quyền bắt buộc. Nhìn rộng hơn, Chính phủ Trung Quốc đang bàn cách kiểm soát chặt hơn với dữ liệu trực tuyến mà các gã khổng lồ Internet thu thập được từ người dùng.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI