Nhà bán khống trong "The Big Short" nhắm tới cổ phiếu Tesla

Nhà bán khống trong "The Big Short" nhắm tới cổ phiếu Tesla

Nhà bán khống nổi tiếng Michael Burry đã vào vị thế bán cổ phiếu Tesla.

Michael Burry bỗng trở nên nổi như cồn và thu về hàng đống tài sản nhờ bán khống chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp trước cuộc khủng hoảng năm 2008, một giao dịch được huyền thoại hóa thành tác phẩm “The Big Short” của Michael Lewis và đã được dựng thành phim.

Quỹ Scion Asset Management của ông Burry vừa mua vào các quyền chọn bán với 800,100 cổ phiếu Tesla tính tới ngày 31/03, theo hồ sơ pháp lý gửi lên SEC trong ngày 17/05. Các quyền chọn bán mang lại cho Scion Asset Management quyền bán cổ phiếu Tesla ở mức giá thỏa thuận trong hợp đồng vào một ngày không xác định trong tương lai (trước ngày đáo hạn).

Cổ phiếu Tesla tăng lên mức kỷ lục 883.09 USD vào ngày 26/01, sau chuỗi tăng gần 700%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2021, giá cổ phiếu quay đầu giảm 25% và hiện đang giảm 35% so với mức đỉnh xác lập vào ngày 26/01.

Nhà bán khống nổi tiếng Michael Burry

Đây không phải là lần đầu tiên ông Burry bán khống Tesla. Hồi đầu tháng 12/2020, Burry từng tweet Công ty của ông đang bán khống cổ phiếu của hãng xe điện này, nhưng sau đó ông đã xóa dòng tweet này.

Nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng này cũng khuyến nghị ông Musk phát hành cổ phiếu để tăng vốn trong lúc giá cổ phiếu tăng mạnh lên mức mà ông Burry cho là “nực cười”.

Tesla thu lãi kỷ lục trong quý 1/2021 bất chấp tình trạng thiếu hụt chip. Hãng xe điện này cải thiện hoạt động sản xuất và thậm chí kiếm được lãi từ Bitcoin, báo cáo tài chính cho thấy vào cuối tháng 4/2021.

Tuy vậy, giá cổ phiếu vẫn giảm như báo hiệu về kỳ vọng cao ngất ngưỡng từ phía nhà đầu tư. Nằm trong số những lý do mà các chuyên viên phân tích đưa ra: Tesla không đưa ra ước tính cụ thể về số xe bán được trong năm 2021.

Thật khó để biết thời điểm quỹ Scion vào vị thế bán khống Tesla, ở mức giá nào thì quyền chọn sẽ trong trạng thái có lời và tổng phí phải trả cho quyền chọn là bao nhiêu. Trong hồ sơ gửi lên SEC, tổng vị thế bán khống Tesla đang có giá trị 534 triệu USD – con số này nhiều khả năng được tính toán bằng cách lấy thị giá cổ phiếu Tesla vào ngày 31/03 nhân với số lượng cổ phiếu bán khống.

“Tesla đang giảm 14% kể từ cuối quý 1/2021, vì vậy có lẽ các quyền chọn bán này đang có lãi, mặc dù khó biết chắc được”, Steve Sosnick, Trưởng bộ phận chiến lược tại Interactive Brokers, cho hay. “Burry đang thể hiện sự hoài nghi về Tesla giống như nhiều người khác. Tôi tin rằng ông ấy đã gom dần quyền chọn bán Tesla ở mức giá thực hiện và kỳ hạn khác nhau. Một số hợp đồng này chắc hẳn đã hết hạn”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI