Gần 50% dân số Đài Loan đang đầu tư chứng khoán

Gần 50% dân số Đài Loan đang đầu tư chứng khoán

Sau khi lãi 200% từ đầu tư chứng khoán trong năm 2020, ông Robert Hou vẫn muốn kiếm thêm từ thị trường.

Ông Hou (65 tuổi) là nhà quản lý công ty thương mại Đài Loan và nay đã nghỉ hưu. Hồi tháng 3/2020, ông đã mua cổ phiếu của công ty vận tải bằng container Wan Hai Lines ngay khi giá rớt về đáy 6 năm ở mức 13 NTD/cp (Tân Đài tệ). Chỉ vài tháng sau, ông bán lại với giá 39 NTD/cp.

“Tôi nhớ rằng khi đó, nhiều nơi trên thế giới đã áp lệnh phong tỏa và cổ phiếu vận tải đang có thành quả rất tệ. Nhưng tôi nghĩ phải có ai đó vận chuyển hàng hóa chứ. Nói cách khác, bạn sẽ cần tới những công ty vận tải này”, ông nói với Nikkei Asia.

Ông Hou cũng đang nắm khoảng 4,000 cổ phiếu của ông lớn ngành chip TSMC với giá vốn 400 NTD/cp. Vào ngày 07/05, giá cổ phiếu TSMC khép phiên ở mức 599 NTD/cp.

“Khi tất cả chỉ báo kinh tế của Đài Loan đều cho thấy xu hướng tăng, tôi nghĩ sẽ không khó để những nhà đầu tư tay ngang như tôi kiếm tiền từ thị trường chứng khoán”, ông Hou cho biết.

Dường như ông cũng không phải là người duy nhất cảm thấy như thế.

Ngày càng nhiều người dân Đài Loan gia nhập thị trường chứng khoán. Nguồn: Nikkei

Khoảng 670,000 người dân đã mở tài khoản giao dịch trong năm 2020, một mức kỷ lục, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan (TSE). Tính cả thảy, Đài Loan đang có 11.24 triệu tài khoản giao dịch, tức gần 50% dân số Đài Loan đang đầu tư cổ phiếu. Hơn 42% trong số người đã mở tài khoản trong năm 2020 có độ tuổi dưới 30, dữ liệu cho thấy.

Tại các nhà hàng, quán cà phê và thậm chí là thang máy, giá cổ phiếu thường là chủ đề của các cuộc bàn luận. “Mỗi buổi sáng, khi bước vào thang máy để lên văn phòng, tôi thấy gần như ai cũng đang mở màn hình giao dịch cổ phiếu”, Perry Chien, Chuyên gia quản lý ngành công nghệ, nói với Nikkei Asia. “Cả ông bà ngồi bàn kế bên tôi ở nhà hàng cũng nói về cổ phiếu bán dẫn”.

Dòng vốn cuồn cuộn đã đẩy thanh khoản của sàn TSE lên kỷ lục, đạt hơn 600 tỷ NTD vào ngày 22/04. Chỉ số chứng khoán chính của sàn TSE đã lập kỷ lục 17,572 điểm vào ngày 26/04, tăng mạnh từ mức dưới 10,000 điểm hồi tháng 3/2020.

Đà tăng của cổ phiếu Đài Loan diễn ra cùng với sự cải thiện về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp. Tính tới ngày 07/05, hệ số P/E dựa trên lợi nhuận dự phóng 12 tháng tại sàn TSE ở mức 16.43 lần – thấp hơn đôi chút so với mức 16.69 lần của 12 tháng trước, theo Capital IQ. Trong cùng kỳ, mức P/B của thị trường tăng từ 1.64 lần lên 2.4 lần, theo Capital IQ.

Giá cổ phiếu thiết bị bán dẫn trở thành lực kéo chính trên thị trường chứng khoán Đài Loan giữa bối cảnh nhu cầu chip tăng vọt trên toàn cầu.

Cổ phiếu TSMC – vốn chiếm hơn 30% vốn hóa thị trường TSE – đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua, trong khi cổ phiếu của United Microelectronics (đối thủ của TSMC) tăng gấp 4 lần. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip bộ nhớ Nanya Technology cũng tăng 40% trong 12 tháng qua. MediaTek – nhà thiết kế chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm – nhảy vọt hơn 185% trong cùng kỳ.

Bên cạnh việc nhu cầu chip thúc đẩy giá cổ phiếu công nghệ, thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế xứ Đài đã tạo cú huých cho các cổ phiếu “an toàn”.

“Giá cổ phiếu China Steel rất hiếm khi biến động mạnh”, bà Jane Wu, một nhà đầu tư kỳ cựu trên Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan, chia sẻ. “Tôi đã mua cổ phiếu này vì chúng rất ổn định. Đầu tư vào những cổ phiếu dạng này giống như gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng vậy, nhưng cổ tức của chúng cao hơn so với lãi ngân hàng”.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu China Steel – hãng sản xuất thép lớn nhất Đài Loan – đột nhiên tăng gấp đôi trong 12 tháng qua và hiện bà Wu đang muốn chốt lời một phần.

Đà tăng của giá cổ phiếu trải rộng ra nhiều ngành nghề khác nhau, từ nguyên vật liệu cơ bản như đồng và thép cho tới các công ty vận tải. Cổ phiếu của hai công ty vận tải hàng hải lớn nhất Đài Loan – Evergreen Marine và Yang Ming Marine Transport – tăng tương ứng 7 lần và 11.5 lần trong 12 tháng qua.

“Chúng tôi có thể thấy dòng vốn trên toàn cầu đang chảy vào thị trường chứng khoán với sự thúc đẩy của các biện pháp nới lỏng định lượng (QE) từ các NHTW. Chúng tôi chưa thấy tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ”, Darson Chiu, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, cho biết. “Mặc dù thị trường chứng khoán Đài Loan rất sôi động tại thời điểm này, nhưng theo tôi, nhà đầu tư nên đầu tư cẩn trọng vì thị trường rồi cũng sẽ điều chỉnh”.

Một rủi ro khác của thị trường xứ Đài đến từ ngành công nghệ - vốn đang là đầu kéo cho tăng trưởng kinh tế.

Diễn biến giá của các cổ phiếu vốn hóa cao nhất Đài Loan

Tình trạng thiếu cung chip đang bóp nghẹt việc làm ăn của các hãng sản xuất xe hơi và nhà sản xuất thiết bị điện tử, đồng thời cũng cho thấy tầm quan trọng của ngành bán dẫn của Đài Loan. Hiện tại, các chính phủ Mỹ, Đức và Nhật Bản đều đang nhờ Đài Bắc giải quyết tình trạng thiếu hụt chip.

“Thật tốt khi tầm quan trọng của Đài Loan được chú ý tới. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi khi nhiều quốc gia nhận ra họ đang phụ thuộc vào ngành bán dẫn của Đài Loan”, Roy Chun Lee, Phó Tổng Giám đốc tại Trung tâm WTO & RTA Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung Hua, nhận định với Nikkei Asia.

“Theo quan sát của chúng tôi, chính quyền Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang kêu gọi các công ty mang hoạt động sản xuất chip về quê nhà và đây có thể là mối lo ngại tiềm tàng cho Đài Loan trong dài hạn”.

Kế hoạch nâng cao công suất trị giá 20 tỷ USD của Intel tại Mỹ cực kỳ đáng chú ý, ông nói.

“Chúng ta nên theo dõi xem liệu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có chuyển sang ủng hộ các nhà cung ứng nội địa thay vì các nhà cung ứng nước ngoài. Đài Loan cần củng cố niềm tin của các quốc gia khác vào nước mình, để họ chấp nhận các sản phẩm được sản xuất tại Đài Loan hoặc do các công ty Đài Loan sản xuất là sản phẩm tốt nhất để cân bằng giữa R&D (nghiên cứu và phát triển), sản xuất và an ninh chuỗi cung ứng”, vị chuyên gia này nhận định

Căng thẳng Mỹ-Trung cũng gây thêm bất ổn cho ngành sản xuất chip của xứ Đài.

Dù vậy, các công ty công nghệ đang cảm thấy lạc quan tại thời điểm này. “Thị trường chứng khoán đang rất tốt. Hãy nhìn vào chỉ số TSE đi. Chỉ số này đã tăng từ dưới 10,000 điểm (tháng 3/2020) lên hơn 17,000 điểm tại thời điểm này. Gần như tất cả ngành công nghiệp chủ chốt đều trên đà tăng”, Lai Ming-kuen, nhà quản lý tại Acter, cho hay. Được biết, Acter là công ty xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ cao cho Google, TSMC và các công ty khác.

“Việc làm ăn của chúng tôi cũng đang bùng nổ. Tuy nhiên, chúng tôi không biết liệu sắp tới có xảy ra sự kiện thiên nga đen gì hay không. Tại thời điểm này, chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự gián đoạn nào trong thời gian tới. Xét cho cùng, thị trường nào mà tăng mãi được, rồi cũng có điều chỉnh thôi”, ông nói.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI