Tỷ giá USD/VND ổn định trong những tháng đầu năm

Tỷ giá USD/VND ổn định trong những tháng đầu năm

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định khi tỷ giá trung tâm chỉ tăng 0.3% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 52 đồng, lên mức 23,183 đồng/USD.

Nguồn: SBV

Tỷ giá USD/VND sau khi suy yếu và đi ngang trong 2 tháng đầu năm thì đã có sự bứt phá mạnh trong 2 tuần cuối của tháng 3. Tính đến ngày 31/03, tỷ giá trung tâm tăng 0.5% so với đầu năm 2021, lên mức 23,241 đồng/USD. Sau đà tăng mạnh, tỷ giá trung tâm giật lùi về mức 23,183 đồng/USD trong phiên 22/04, tương đương tăng 0.2% so với đầu năm 2021.

Nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND biến động như trên đều xuất phát từ diễn biến đồng USD trên thị trường quốc tế và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm dần can thiệp vào thị trường.

Hành trình xói mòn giá trị của đồng bạc xanh bắt đầu rõ nét từ ngày 03/12/2020 do các chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các gói hỗ trợ tài khóa của Mỹ. Khi đó chỉ số USD-Index đã giảm về mức 90 điểm - mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại. Tiếp nối hành trình đó là khi chỉ số USD-Index chỉ dùng dằng đi ngang mà không thể bứt phá khỏi ngưỡng 91 điểm trong 2 tháng đầu năm.

Mãi đến giữa tháng 3, chỉ số USD-Index mới bắt đầu phá ngưỡng 92 điểm và tiến lên mốc 93 điểm vào cuối tháng 3, tăng 4% so với đầu năm 2021, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ lên mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây – phản ánh lo ngại về lạm phát sẽ khiến Fed phải sớm tăng lãi suất. Đà tăng của chỉ số đô la Mỹ không được duy trì lâu và nhanh rơi khỏi ngưỡng 92 điểm, xuống còn 91.05 điểm trong phiên sáng 22/04 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu khá rõ ràng cho biết Fed khó tăng lãi suất trong năm nay.

Tại Việt Nam, NHNN ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch và ngừng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay từ ngày 31/12/2020. Bên cạnh đó, từ ngày 04/01/2021, NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng (thay vì kỳ hạn 3 tháng như trước) có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23,125 VND/USD, thay cho phương thức giao mua ngay trước đó..

Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang một lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi lần bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này.

Có thể thấy, tần suất mua đã được thay đổi. Theo thông báo mới, nhà điều hành sẽ chuyển sang tần suất thực hiện mua vào 01 lần trong tuần và ấn định vào thứ Tư.

Như vậy, sau khi có bước giảm khá mạnh 50 đồng/USD giá mua vào cuối năm 2020 theo phương thức mua giao ngay, NHNN lần lượt có các điều chỉnh trong hoạt động mua vào ngoại tệ, chuyển sang mua kỳ hạn, rồi giãn tần suất giao dịch như đề cập ở trên.

Với cách này, NHNN không phải thực hiện bất kỳ giao dịch nào khi đến hạn, diễn biến tỷ giá sẽ do thị trường tự điều chỉnh và dự trữ ngoại hối của NHNN không hề thay đổi.

Việc thay đổi chính sách mua ngoại tệ của NHNN được đánh giá giúp củng cố dự trữ ngoại hối trong tương lai và có vai trò quan trọng trong việc ổn định vĩ mô trước những sự kiện trong những năm tới, đặc biệt là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ.

 

Nhìn kỹ hơn vào diễn biến thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ, tình hình thương mại và đầu tư quốc tế trong thời gian vừa qua thì có thể thấy rằng việc tăng tỷ giá trung tâm thêm 0.5% là một bước đi cần thiết để đạt cân bằng bên trong và bên ngoài, góp phần ổn định vĩ mô.

Chẳng hạn, cung cầu ngoại tệ trong ba tháng đầu năm 2021 diễn biến khá thuận lợi. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 24.1% so với cùng kỳ năm 2020 và thặng dư thương mại đạt 2.03 tỷ USD.

Lượng vốn FDI dồi dào trong ba tháng đầu năm, đạt 4.1 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối của NHNN.

Trong bối cảnh thuận lợi như vậy, NHNN chủ động tăng nhẹ tỷ giá trung tâm sẽ không làm xáo trộn tâm lý thị trường.

Mặt khác, USD-Index tính đến cuối tháng 3/2020 đã tăng 4% so với đầu năm. Nếu tỷ giá USD/VND vẫn giữ nguyên hoặc giảm thì có nghĩa là đồng Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác và làm hàng hóa của Việt Nam sẽ kém tính cạnh tranh.

Vì vậy, tỷ giá trung tâm tăng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù đẩy mạnh tích lũy dự trữ ngoại hối trong năm qua nhưng NHNN lại kết hợp hài hòa với nghiệp vụ thị trường mở để hút ròng tiền đồng trong lưu thông và kết quả là mặt bằng giá cả trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.

Trên thực tế, CPI quý 1 chỉ tăng 0.29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Rõ ràng, việc tăng tỷ giá trung tâm trong quý 1 đến từ việc điều hành tỷ giá có tính toán và phù hợp của NHNN.

Tỷ giá USD/VND nhích tăng dưới áp lực của thị trường tự do

Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do cuối quý 1 cùng bật tăng 580 đồng ở giá mua và giá bán so với thời điểm đầu năm 2021 (04/01), lên mức 23,900-23,950 đồng/USD. 

Nguồn: tygiadola.com

Diễn biến này đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn không có dấu hiệu căng thẳng. Hệ quả là chênh lệch giữa giá mua vào của thị trường tự do và các ngân hàng đã nới rộng lên mức rất cao là 940 đồng.

Tuy nhiên, bước sang tháng 04/2021, giá USD trên thị trường tự do thu hẹp đà tăng khi giá mua vào và bán ra tại ngày 22/04/2021 giảm xuống còn 23,670-23,720 đồng/USD, và chênh lệch giữa giữa giá mua vào của thị trường tự do và các ngân hàng ở mức 715 đồng.

Nguồn: VCB

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng chính là yếu tố chính khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh. Trong khi tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại chỉ giảm 25 đồng/USD ở cả 2 chiều, về mức 22,955/23,165 đồng trong phiên 22/04/2021, do chịu áp lực từ tỷ giá tự do và chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp.

Ái Minh

FILI