Trở thành tỷ phú sau 44 năm nỗ lực

Trở thành tỷ phú sau 44 năm nỗ lực

Mỹ phẩm, xe ben và máy khoan hầm thoạt nhìn dường như không có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, cả ba đều sử dụng các sản phẩm của Interpump Group, một nhà sản xuất máy bơm cao áp, van và các thiết bị thủy lực khác có trụ sở tại thị trấn nhỏ Sant’Ilario d’Enza ở miền trung nước Ý.

Nhờ doanh số bộ phận thủy lực dành cho xe tải tăng, công ty đa quốc gia có hoạt động tại 32 nước đã chứng kiến ​​giá cổ phiếu tăng 71% trong năm qua, đưa nhà sáng lập kiêm CEO 77 tuổi  Fulvio Montipò vào hàng ngũ tỷ phú.

Năm 33 tuổi, khi đang là quản lý tại một công ty địa phương chuyên sản xuất máy nông nghiệp và thiết bị thủy lực, Montipò quyết định lập công ty riêng với ý tưởng chuyển đổi các piston bằng thép thành loại làm bằng gốm, giúp máy bơm nhỏ hơn, êm hơn và bền hơn. Giờ đây, sau 44 năm, 17% cổ phần của doanh nhân này ở Interpump có giá 1 tỷ USD, ngoài khoảng 24 triệu USD quyền chọn cổ phiếu. Cổ phiếu này mang lại lợi nhuận hàng năm cho các nhà đầu tư là 14.7% từ khi được niêm yết vào năm 1996, bỏ xa 9.6% của S&P 500 và 0.02% của chỉ số FTSE MIB của Ý.

Interpump đã công bố lợi nhuận ròng 209 triệu USD trên doanh thu 1.6 tỷ USD trong năm ngoái, giảm nhẹ 4% và 5% so với năm 2019. Công ty này là nhà sản xuất máy bơm piston cao áp và bộ chuyển nguồn lớn nhất thế giới, và bán hầu hết sản phẩm ở châu Âu và Bắc Mỹ, nơi chiếm gần 3/4 doanh số bán hàng vào năm 2020. Bên cạnh việc sản xuất bộ phận thủy lực cho các nhà sản xuất xe tải như Renault và Scania, các công ty thuộc tập đoàn Interpump còn sản xuất những bộ phận xử lý chất lỏng cho các gã khổng lồ thực phẩm như Danone, Nestlé và những công ty mỹ phẩm và dược phẩm.

Doanh nhân cần không ngừng khát khao trở thành tốt nhất. Tốt nhất về sản phẩm, tổ chức, hiệu quả và trong việc tạo ra môi trường làm việc tích cực, tốt nhất về mọi mặt”, Montipò nói với nhật báo tài chính Ý Il Sole 24 Ore vào năm 2019. 

Mong muốn trở thành tốt nhất đó được sinh ra từ thời thơ ấu của Montipò khi chứng kiến ​​cha phải xa nhà suốt 9 tháng mỗi năm để làm công việc lao động thời vụ tại Thụy Sĩ. Montipò sinh năm 1944 tại làng Baiso, trên vùng núi Apennine, khi Thế chiến II vẫn hoành hành khắp bán đảo Ý. Do mẹ cũng đi làm xa nên ông được các thành viên khác trong gia đình nuôi dưỡng và dự kiến ​​nối nghiệp cha làm việc xây dựng sau khi xong tiểu học. Nhưng nhờ một giáo viên, ông được nhận vào trường nội trú Công giáo địa phương và được cấp học bổng toàn phần. Với học bổng này, cha Montipò đồng ý để ông theo con đường học vấn.

Ông dạy kèm các sinh viên tại trường nội trú của ông để trang trải học phí tại Đại học Modena, nơi ông học sinh học trước khi chuyển sang ngành xã hội học tại Đại học Trento vào năm 1968. Thừa hưởng gen tham công tiếc việc từ cha, Montipò có công việc toàn thời gian đầu tiên vào năm 1967, khi được nhận vào bộ phận máy móc nông nghiệp của nhà sản xuất Bertolini trong vùng, và ông tiếp tục làm việc suốt thời gian đại học. Trong cuộc phỏng vấn năm 2009 với tờ Repubblica của Ý, Montipò nhớ lại những ngày phải làm việc đến 9 giờ tối và học đến 2 giờ sáng. “Bốn năm ‘thú vị’ ghê gớm”, ông nói.

Đến năm 1972, khi tốt nghiệp ngành xã hội học, ông được bổ nhiệm vào vị trí quản lý tại Bertolini. Năm năm sau, ông nghỉ việc do bất đồng với cấp trên và hợp tác với hai người bạn để phát triển loại máy bơm piston mới mang tính cách mạng - được làm bằng gốm bền hơn chứ không phải bằng thép - và sản phẩm này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Ông thành lập tập đoàn Interpump vào năm 1977 với số vốn tương đương 1,250 euro (khoảng 1,500 USD) của ông và vốn khởi nghiệp bổ sung từ các doanh nhân địa phương để đổi lấy 40% cổ phần. Công ty phát triển nhanh chóng và Montipò đã mua lại cổ phần đó trong vòng ba năm.

Đến đầu những năm 1990, Interpump phát triển lên hơn 200 nhân viên và bán sản phẩm trên khắp thế giới. Montipò quyết định rút tiền mặt và bán cổ phần cho BC Partners, công ty đã đưa Interpump lên sàn chứng khoán Milan vào năm 1996. Được một thời gian, khi Interpump bắt tay vào chiến dịch mua lại để mở rộng vào lĩnh vực thủy lực rộng lớn hơn, Montipò dành cho mình niềm đam mê khác: Nuôi ngựa đua. Những con ngựa được nuôi tại chuồng của Montipò đã kiếm được hơn 5 triệu USD tiền thưởng trong các cuộc đua từ năm 1996 đến khi ông bán con ngựa cuối cùng vào năm 2015.

Tôi luôn yêu mọi thứ mình đã làm: Với một viên gạch, một con ngựa, một bông hoa hay bất cứ thứ gì. Tôi rất dễ yêu”, ông nói với nhật báo địa phương Il Resto del Carlino vào năm 2015.

Tuy vậy, khó bỏ qua sự phát triển nhanh chóng của Interpump nên vào cuối năm 1999, Montipò đã mua lại 2% cổ phần của công ty với giá khoảng 7 triệu USD và tiếp tục mở rộng cổ phần bằng cách mua lại tất cả cổ phần của BC Partners vào năm 2003 - khi công ty tiếp tục một loạt thương vụ mua lại khác trong hai thập niên tiếp theo ở Ý, Đức, Mỹ và Trung Quốc. Vào năm 2020, mặc dù doanh số bán hàng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Interpump vẫn mua lại bốn công ty khác nhau ở Ý và Tây Ban Nha.

Giờ đây, dù đã trở thành tỷ phú nhờ một ý tưởng khi mới 30 tuổi, Montipò vẫn không quên cội nguồn của mình. Năm 2004, ông mua và cải tạo một cung điện lịch sử có từ thế kỷ 17 ở thành phố Reggio Emilia, nơi ông học trung học và hiện đang sinh sống. Tòa nhà này còn có các căn hộ, văn phòng và cửa hàng, trong đó có cả cửa hàng H&M.

Trong một cuộc phỏng vấn cho L'Italia A Pezzi, một cuốn sách được xuất bản năm 2011 của Antonio Roccuzzo, Montipò cho rằng thành công của ông nhờ sự chăm chỉ, hy sinh của cha mẹ và khao khát tạo dựng cuộc sống tốt hơn của chính ông. “Vào ngày chiếc xe buýt đến đưa bố mẹ tôi đi hàng tháng trời, tôi đã tuyệt vọng và tự nhủ: ‘Đây không phải là cuộc sống! Khi lớn lên, tôi sẽ không đi đâu cả và cố gắng hết sức để xây dựng một cái gì đó ở đây trên chính quê hương", ông nói.

Nhã Thanh (Theo Forbes)

FILI