Góc nhìn 23/04: Điều chỉnh về ngưỡng 1,200 điểm?

Góc nhìn 23/04: Điều chỉnh về ngưỡng 1,200 điểm?

Theo đánh giá của BSI, trong dài hạn VN-Index vẫn đang có xu hướng đi lên, tuy nhiên trong ngắn hạn chỉ số có thể điều chỉnh về ngưỡng 1,200 điểm.

VN-Index vẫn đang có xu hướng đi lên trong dài hạn

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Trong phiên sáng 22/04, thị trường giao dịch trong sự thận trọng của nhà đầu tư, tuy nhiên đến phiên chiều thị trường bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh và tới cuối phiên chỉ số VN-Index đã giảm mạnh tới hơn 40 điểm. Thêm vào đó, dòng tiền đầu tư tiêu cực với 18/19 nhóm ngành giảm điểm. Hơn nữa, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn HOSEHNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản giảm so với phiên hôm trước.

Theo đánh giá của BSI, trong dài hạn VN-Index vẫn đang có xu hướng đi lên, tuy nhiên trong ngắn hạn chỉ số có thể điều chỉnh về ngưỡng 1,200 điểm.

Đứng ngoài quan sát

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Cuối cùng thì sau 2 tuần giao dịch lình xình trong khoảng giá 1,230-1,270 điểm mà không thể bứt phá được, thị trường đã có một phiên giảm điểm rất mạnh trong hôm nay (giảm 3.2%), đây là phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ phiên 8/2 (giảm 3.9%). Với việc thị trường đóng cửa ở dưới ngưỡng 1,250 điểm nên trên khía cạnh sóng elliot thì xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 lên ngưỡng 1,325 điểm (fibonacci retracement 161.8% sóng điều chỉnh 4) là thấp hơn so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1,140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5).

Do đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 23/04, thị trường có thể tiếp tục giảm điểm về các ngưỡng thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Nhà đầu tư trung hạn mua vào trước Tết trong các phiên 28/01-02/02 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/03-26/03 đã chốt lời trong tuần trước nên đứng ngoài quan sát thị trường. Những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trong thời gian tới có thể áp dụng chiến lược trailing stop theo đường trung bình 20 ngày hiện quanh ngưỡng 1,225 điểm, nếu thủng ngưỡng này thì nên bán ra.

Kỳ vọng có nhịp đi ngang tích lũy

CTCK Đông Á (DAS): Tâm lý lo ngại về tình trạng căng margin khi báo cáo quý 1 của các công ty chứng khoán cho thấy tổng dư nợ cho vay lên mức kỷ lục, thị trường mở cửa với sự thận trọng của bên mua, sau đó xảy ra hiện tượng bán tháo mạnh. Tin tức tốt về kết quả kinh doanh quý 1 gần như đã phản ánh bão hòa vào giá cổ phiếu trong nhịp tăng vừa qua, khi mà VN-Index đạt được mức tăng 95 điểm (tương đương tăng 8%) chỉ sau 3 tuần giao dịch.

Khi thị trường giao dịch với biên độ rộng và có thể kiểm tra lại mốc hỗ trợ 1,200 điểm trong phiên 23/04. Nếu có phản ứng tích cực tại vùng giá 1,200 điểm thì sẽ có hồi phục trong ngày, phiên cuối tuần không quá tiêu cực, sau đó kỳ vọng có nhịp đi ngang tích lũy. Nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, tránh bị gọi ký quỹ, chờ cơ hội mua mới.

Thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật

CTCP Chứng khoán MB (MBS): Nhịp giảm của thị trường trong nửa cuối phiên chiều là điểm đáng chú ý trong phiên 22/04, lực bán diễn ra trên diện rộng khiến một số cổ phiếu lớn giảm sàn. Đây cũng là phiên mà lượng cổ phiếu khớp lệnh rất lớn ở phiên 16/04 về tài khoản và chỉ số VN-Index cũng dừng ở mức thấp nhất của phiên này. Về kỹ thuật, sau các phiên giảm sâu như 22/04, thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật, nhà đầu tư cần bình tĩnh, bên cạnh đó điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

Minh Hồng

FILI