ĐHĐCĐ GAS: Kế hoạch lợi nhuận 2021 thấp nhất trong nhiều năm

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ GAS: Kế hoạch lợi nhuận 2021 thấp nhất trong nhiều năm

Sáng ngày 16/04, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021. Năm 2021, GAS đặt kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất 7,036 tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ban điều hành ghi nhận kết quả quý đầu năm khá tích cực theo sự hồi phục của giá dầu thế giới.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều đã được thông qua. Cổ đông đã chấp thuận miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Phan Quốc Nghĩa và ông Trương Hồng Sơn (độc lập); miễn nhiệm chức vụ thành viên BKS đối với bà Hồ Thị Ái Thanh.

Đại hội đã bầu bổ sung ông Triệu Quốc Tuấn, ông Trương Hồng Sơn vào thành viên HĐQT. Theo sơ yếu lý lịch, ông Tuấn có nhiều năm kinh nghiệm và từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong hệ thống của Tập đoàn PVN, hiện là Giám đốc Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam Bộ (thuộc GAS).

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Minh (bầu lại) và bà Nguyễn Thị Kim Yến trúng cử vào thành viên BKS.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của GAS diễn ra sáng ngày 16/04

Thảo luận:

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2021?

Tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn: Nhờ giá dầu cao hơn kế hoạch nên kết quả khá tốt (so với kế hoạch). Mới đây GAS đã trúng gói thầu cung cấp LNG cho Genco3, được đánh giá là gói thầu quan trọng.

Trong năm 2021, nếu không có điều gì bất thường, xu hướng giá dầu hồi phục và dịch bệnh dần được kiểm soát thì doanh thu lợi nhuận GAS dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong 3 quý tiếp theo.

Tiến độ thoái vốn khỏi Gas South như thế nào?

Tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn: Việc tái cấu trúc là thường xuyên của một doanh nghiệp. Việc thoái vốn của một doanh nghiệp có Nhà nước sở hữu phải cần sự phê duyệt của cơ quan thẩm quyền. Tất nhiên GAS vẫn cố gắng để thoái vốn theo đúng tiến độ đề ra, song thực tế hoàn thành vào lúc nào, với giá nào còn phụ thuộc vào thị trường và nhiều yếu tố khác. Việc thoái vốn khỏi các đơn vị như Gas South (PGS) là phù hợp với định hướng phát triển của Công ty.

GAS sẽ nhập khẩu LNG trong thời gian tới?

Theo vị Tổng Giám đốc cho biết, ngành dầu khí hoạt động trong lĩnh vực điều tiết của Nhà nước. Trong đó, cước phí phải do các cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Thực tế cước phí được phê duyệt rất sát với cước phí tạm tính.

Về nguồn khí, trước đến giờ GAS vẫn mua từ các nguồn khí trong nước. Trong thời gian tới, GAS sẽ có thêm nguồn LNG từ nhập khẩu. Điều này lý giải bởi thực tế nguồn LNG vẫn thường trong tình trạng bị thiếu, trừ năm 2020 chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thừa. Giá nhập khẩu thì sẽ phụ thuộc vào thị trường, phương án cụ thể sẽ tùy tình hình để thực hiện cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả tài chính.

Về trữ lượng dầu khí, ông Sơn cho biết hiện Việt Nam đã khai thác khoảng một nửa trữ lượng mỏ sở hữu. Trong trữ lượng dầu khí còn lại thì khí chiếm khoảng 65-70% (còn lại là dầu). Do đó chúng ta có thể yên tâm rằng trữ lượng vẫn còn rất lớn.

Về phía GAS sẽ tiếp tục sử dụng nhiều biện pháp để có thể làm hạ giá khí, tạo ưu thế về giá khí cung cấp, tăng tính cạnh tranh.

Kế hoạch lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm

HĐQT GAS lên kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2021 với tổng doanh thu 70,169 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2020. Lãi sau thuế dự kiến 7,036 tỷ đồng, giảm 12% và cũng là kết quả thấp nhất trong 9 năm trở lại đây (kể từ 2012). Các chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên phương án giá dầu Brent 45 USD/thùng và tỷ giá 1 USD = 23,500 đồng.

Theo nhận định của Ban lãnh đạo, bên cạnh một số thuận lợi, Công ty sẽ gặp không ít khó khăn trong 2021, như việc xuất hiện đơn vị ngoài Tập đoàn cung cấp LNG là Công ty Năng lượng Hải Linh.

Chưa kể, số sự cố thiết bị gây gián đoạn cấp khí hoặc dừng cấp khí từ phía thượng nguồn ngày một tăng; Tập đoàn PVN đã giao kế hoạch sản lượng khí cho GAS ở mức cao và việc tiêu thụ khí của khách hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như ưu tiên nguồn giá rẻ, gây khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch.

Bên cạnh đó, các chi phí ngày một tăng, cộng với thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung; giá LPG biến động bất thường khó dự đoán, rủi ro kinh doanh liên quan đến giá khá cao sẽ ảnh hưởng lớn.

Ngoài ra, GAS còn có thể gặp nhiều vấn đề như sản xuất ống thép, bọc ống chưa tìm được dự án lớn. Trong trường hợp dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn lùi tiến độ, GAS sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Cổ tức 30% cho năm 2020, 25% cho năm 2021

GAS được thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt cho năm 2020 với tỷ lệ 30%/vốn điều lệ (3,000 đồng/cp). Đối với năm 2021, Công ty đặt mục tiêu chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 25%/vốn điều lệ (2,500 đồng/cp).

Năm 2021, với riêng Công ty mẹ, GAS dự kiến dùng 3,778 tỷ đồng để đầu tư, và giải ngân tổng cộng 6,256 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty cho biết sẽ hoàn thiện hạ tầng công nghiệp khí, đặc biệt là hệ thống hạ tầng nhập khẩu LNG. GAS sẽ ưu tiên tham gia đầu tư, mua cổ phần hoặc góp vốn các dự án ngoài nước thuộc lĩnh vực khí nhằm hỗ trợ hoạt động trong nước cũng như gia tăng hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, GAS sẽ thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu, tối ưu hóa tỷ lệ nắm giữ phần vốn góp trong các công ty thành viên, công ty trực thuộc trên nguyên tắc tập trung và chi phối vào lĩnh vực cốt lõi; đẩy mạnh thoái vốn các đơn vị làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.

Duy Na

FILI