ĐHĐCĐ CSM: Biên lợi nhuận quý 2 dự kiến không đổi bất chấp giá cao su có xu hướng tăng

ĐHĐCĐ CSM: Biên lợi nhuận quý 2 dự kiến không đổi bất chấp giá cao su có xu hướng tăng

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) đã thông qua kế hoạch năm với doanh thu và lãi trước thuế lần lượt ở mức 4,505 tỷ đồng và 100 tỷ đồng, giảm 7% và 12% so với năm 2020.

* Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CSM

ĐHĐCĐ thường niên của CSM tổ chức sáng ngày 26/04/2021

Kế hoạch lãi trước thuế 100 tỷ đồng

Năm 2021, CSM cho rằng ngành săm lốp sẽ có cơ hội tăng trưởng đối với thị trường nội địa khi tiêu thụ lốp ô tô trong nước được dự báo có xu hướng tăng do chính sách thúc đẩy đầu tư công của Việt Nam. 

Tuy nhiên, CSM nhận định việc cung ứng sản phẩm cho thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi nguồn cung khan hiếm và đắt đỏ do tác động của dịch bệnh, chi phí vận chuyển đường biển tăng cao, hơn hết là việc áp thuế chống trợ cấp chính phủ (CVD) và chống bán phá giá (AD) của Chính phủ Mỹ sẽ chi phí xuất nhập khẩu ngày càng leo thang.

Từ những thuận lợi và khó khăn trên, CSM đề ra kế hoạch kinh doanh 2021 với một số chỉ tiêu "đi lùi". Trong đó, doanh thu và lãi trước thuế được kỳ vọng sẽ đạt mức 4,505 tỷ đồng và 100 tỷ đồng, giảm 7% và 12% so với mức thực hiện năm 2020.

Kế hoạch năm 2021 của CSM
Nguồn: Tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của CSM

Biên lợi nhuận quý 2 không đổi nhờ dự trữ nguyên liệu

Quý 1/2021, CSM báo doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt hơn 1,079 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, tăng 14% và 5% so với cùng kỳ. So với kế hoạch đã được thông qua, Công ty đã thực hiện được 16.7% mục tiêu lãi trước thuế.

Việc lợi nhuận không theo kịp đà tăng trưởng của doanh thu là do chi phí quản lý của CSM trong kỳ tăng 73%, lên hơn 73 tỷ đồng. Bên lề cuộc họp, Tổng Giám đốc CSM – ông Phạm Hồng Phú chia sẻ, khoản phí gia tăng là do Công ty đang trong quá trình xây dựng hệ thống server riêng cũng như bổ sung lực lượng nhân viên bán hàng tại các tỉnh nên đến cuối năm, chắc chắn khoản mục này sẽ giảm.

Hàng tồn kho cuối quý 1/2021 của CSM đã tăng 17% so với đầu năm. Theo Tổng Giám đốc Công ty cho biết nguyên nhân là do Công ty dự trữ nguyên liệu khi giá cao su xuống thấp. Nhờ nguồn dự trữ này, biên lợi nhuận quý 2/2021 của CSM được dự báo sẽ không thay đổi so với quý 1. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của quý 3 và quý 4 có thể sẽ giảm so với cùng kỳ nếu giá cao su cứ tiếp tục tăng.

Trả lời ý kiến cổ đông về ảnh hưởng của việc cao su tự nhiên tăng giá trong giai đoạn cuối tháng 3/2021 lên hoạt động kinh doanh của Công ty. Đại diện Công ty cho rằng giá cao su tăng cao là do cước vận chuyển bị ảnh hưởng từ Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đã nhất trí nâng giá bán sản phẩm để bù cho phần nguyên liệu tăng thêm nên khả năng cạnh tranh của Công ty trên thị trường vẫn được đảm bảo. 

Giải đáp vấn đề bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế CVD và AD, tại Đại hội, ông Phạm Hồng Phú cho biết tính cả hai loại thuế thì hiện Công ty đang phải chịu thêm mức thuế suất gần 29%. May mắn thay, mức thuế suất này vẫn thấp hơn so với các nước Đài Loan, Hàn Quốc, và chỉ cao hơn Thái Lan nên vấn đề này vừa có mặt tiêu cực lẫn mặt tích cực đối với hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của Công ty.

Ngoài thị trường Mỹ, CSM còn đang chuẩn bị xuất khẩu lốp toàn thép sang các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, các nước trong khối ASEAN, Bangladesh,.... Bên cạnh đó, Công ty sẽ tăng sản lượng xuất khẩu với khách hàng Brazil để tận dụng cơ hội khi nước này vừa tăng thuế suất đối với lốp Trung Quốc. Còn với thị trường Ấn Độ, tình hình vẫn chưa khả quan do ảnh hưởng từ Covid-19.

Về vấn đề giá cước vận chuyển tăng lên gần, lãnh đạo Công ty cho biết chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu, còn xuất khẩu thì các khách hàng lớn thường mua hàng theo giá FOB nên phần phí vận chuyển tăng thêm sẽ được đối tác chi trả.

Xây dựng phần mềm thương mại điện tử riêng

Chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2021 được CSM đặt mục tiêu gấp 5 lần so với năm 2020 nhưng dự án lớn hiện tại của Công ty là dự án đầu tư nâng công suất lốp TBR lên 600 ngàn chiếc/năm đang bị tạm dừng do sản lượng tiêu thụ chưa đạt đến công suất giai đoạn 1 là 350 ngàn chiếc/năm.

Dù vậy, CSM vẫn còn những án khác, ông Phạm Hồng Phú chia sẻ tại Đại hội, Công ty đang xây dựng phần mềm thương mại điện tử của riêng CSM nhằm giúp Công ty quảng bá các sản phẩm mới. Ngoài ra, ứng dụng sẽ cho phép các nhà phân phối của Công ty đưa dịch vụ và các chương trình khuyến mãi đến với khách hàng sớm nhất.

Ông Phú cho biết thêm, Công ty đang cố gắng đẩy mạnh thương hiệu lốp Advenza thông qua việc xây dựng 44 garage trên khắp cả nước để quảng bá độc quyền thương hiệu này. Sắp tới, toàn bộ sản phẩm của Công ty đều sẽ được in mã QR code để tiện cho việc theo dõi hành trình sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường nội địa.

Kết quả kinh doanh các năm trước của CSM. Đvt: Tỷ đồng

Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của CSM đạt lần lượt 4,823 tỷ đồng và 114 tỷ đồng, tăng 10% và 73% so với năm 2019. Tuy nhiên, khi so với kế hoạch năm, cả hai chỉ tiêu chỉ thực hiện được lần lượt 97% và 76% mục tiêu được đề ra.

Tỷ lệ chi cổ tức năm 2020 được ĐHĐCĐ CSM thông qua ở mức 5%.

Hà Lễ

FILI