Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư F0 biết có bong bóng nhưng vẫn nhảy vào

Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư F0 biết có bong bóng nhưng vẫn nhảy vào

Theo kết quả khảo sát các nhà đầu tư nhỏ lẻ, phần lớn đều cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang có bong bóng, nhưng vẫn không muốn bỏ qua kênh đầu tư này.

Một cuộc khảo sát của E*Trade Financial phát hiện ra gần 75% nhà đầu tư nhỏ lẻ tin rằng “toàn bộ hoặc một phần thị trường” đang ở trong trạng thái bong bóng, tăng 3 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát hàng quý trước đó. Đồng thời, tỷ lệ nhà đầu tư lạc quan cũng ngày càng tăng và đang tương đương với mức trước dịch là 61%.

“Tâm lý lạc quan ngày càng nổi trội hơn khi thị trường chạm tới những tầm cao mới, tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh, các biện pháp kích thích vẫn đang được triển khai và ước tính lợi nhuận của doanh nghiệp khá cao”, Mike Loewengart, Giám đốc quản lý chiến lược đầu tư tại E*Trade Financial, cho hay.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận đà tăng ấn tượng trong hơn 1 năm qua và cùng với đó là những lời cảnh báo về bong bóng cũng xuất hiện. Thế nhưng, đà tăng gần nhất đã đẩy định giá của chứng khoán Mỹ lên mức từng thấy trong kỷ nguyên bong bóng dot-com.

Giữa lúc lợi suất trái phiếu ngày càng tăng, điệp khúc cảnh báo về bong bóng lại vang vọng và nhà đầu tư nhỏ lẻ đã nhận được tín hiệu đó. Tuy vậy, phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ qua lời cảnh báo đó – cũng như những gì họ đã làm khi S&P 500 tăng 83% từ đáy tháng 3/2020 – và tin rằng vẫn có thể kiếm tiền trên thị trường chứng khoán miễn là Chính phủ tiếp tục chi tiêu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng.

Họ liên tục mua cổ phiếu khi giới chuyên gia e ngại và rót tiền vào những cổ phiếu được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ việc tái mở cửa hoạt động kinh tế. Trong 12 tháng qua, họ đã rót bình quân 1.2 tỷ USD/ngày vào thị trường chứng khoán, dữ liệu từ VandaTrack cho thấy.

Tuy vậy, làn sóng mua không ngừng nghỉ của giới đầu tư nhỏ lẻ đang làm dấy lên lo ngại về khả năng nhóm này rút lui và điều này sẽ tạo ra rủi ro cho thị trường chung. Tỷ lệ phân bổ tài sản cho cổ phiếu của các hộ gia đình Mỹ đã tăng lên 40% trong tháng 4/2021, vượt qua mức đỉnh của kỷ nguyên dot-com và chạm mức cao nhất kể từ đầu thập niên 50, theo ước tính của JPMorgan Chase.

Trong 12 tháng qua, đã nhiều lần cơn sốt đầu tư đã làm dấy lên lo ngại ở những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ cảnh báo rằng sự nhập cuộc của nhóm đầu tư nhỏ lẻ đang làm thị trường trở nên hưng phấn quá đà – cũng tương tự với đầu những năm 2000.

Thế nhưng, các trader nhỏ lẻ vẫn chưa rời bỏ cổ phiếu. Tại Bank of America, các cá nhân là những người mua ròng cổ phiếu trong 6 tuần liên tiếp, theo dữ liệu mới nhất. Trong khi đó, giới đầu tư chuyên nghiệp lại tận dụng đà tăng gần đây để thoái dần ra khỏi thị trường.

Cuộc khảo sát của E*Trade thăm dò ý kiến của 1,000 nhà đầu tư nhỏ lẻ có số dư ít nhất 10,000 USD trong tài khoản giao dịch trực tuyến. Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy gần 50% nhà đầu tư cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái tốt hơn, tăng 15 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát quý trước.

Cho tới nay, những lo ngại về rủi ro Covid-19 đã giảm bớt giữa lúc các nền kinh tế đẩy mạnh tiêm vắc-xin, tuy vậy mối lo ngại về sự biến động của thị trường lại ngày càng tăng và hiện đang là rủi ro đáng quan ngại với các nhà đầu tư tham gia cuộc thăm dò.

Việc nhà đầu tư nhỏ lẻ có tiếp tục đóng vai trò lớn trên thị trường hay không còn tùy thuộc vào những gì diễn ra trong đợt điều chỉnh mạnh, Max Gokhman, Trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại Pacific Life Fund Advisors, cho hay.

“Điều gì sẽ xảy ra khi không còn ‘nhiên liệu’ mới để tiếp lực cho con tàu này trên hành trình tới cung trăng? Đám đông có thể bắt đầu nhận ra họ đã trả cái giá quá cao cho những thứ kém chất lượng”, ông nói. “Việc họ có quyết định ở lại thị trường sau đợt điều chỉnh hay không sẽ quyết định tác động dài hạn của binh đoàn nhỏ lẻ”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI